Phấn đấu về đích sớm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đan Phượng là một trong những địa phương đi đầu toàn thành phố về thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), từng bước nâng cao đời sống nông dân.

 Huyện phấn đấu đến năm 2015 toàn bộ 100% xã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí NTM, về đích sớm so với kế hoạch chung của toàn TP.

Đời sống được nâng cao

Đến xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng vào một ngày đầu tháng Tám, chúng tôi vô cùng ấn tượng với những đổi thay của mảnh đất này. Trên cánh đồng, những ruộng hoa hồng, hoa cúc, hoa loa kèn… rực rỡ khoe sắc, thay thế dần diện tích cấy lúa kém hiệu quả trước đây. Vừa tất bật chăm chút cho ruộng hoa loa kèn chi chít nụ, anh Nguyễn Văn Xuân, cụm 6, xã Hạ Mỗ chia sẻ, thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã, nhiều năm nay, gia đình anh đã chuyển sang trồng hoa ly, hoa loa kèn cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện gia đình anh Xuân trồng 6 sào hoa loa kèn sắp đến ngày thu hoạch. Anh cho biết, với giống hoa tự sản xuất ra, mỗi sào hoa cho thu nhập 40 - 50 triệu/năm. 
Phấn đấu về đích sớm - Ảnh 1
Việc đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Ảnh: Thắng Văn
Từ Hạ Mỗ, vòng lên bờ đê sông Hồng một đoạn là tới làng nghề sản xuất đồ gỗ xã Liên Hà. Mặc dù đang trong giai đoạn kinh tế khó khăn nhưng nhiều xưởng mộc của xã Liên Hà vẫn hối hả sản xuất, tiếng máy cưa, xẻ chạy rè rè. Ông Nguyễn Quang Lục - Bí thư Đảng ủy xã Liên Hà cho biết, toàn xã có hơn 500 hộ sản xuất đồ mộc, thu hút 3.000 - 4.000 lao động trên địa bàn và các huyện lân cận như Quốc Oai, Thạch Thất. Trong đó, hiện có 226 hộ ra sản xuất tại điểm công nghiệp tập trung, 134 hộ thuê đất dịch vụ và 200 hộ đang sản xuất trong làng. Thu nhập của lao động làm mộc từ 6 - 7 triệu đồng/tháng. Nhờ có nghề mộc, hiện nay tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ đã chiếm tới 95% cơ cấu kinh tế, nông nghiệp chỉ còn chiếm 5%.

Theo UBND huyện Đan Phượng, trong 5 năm qua, huyện đã chuyển đổi được 447ha đất lúa sang trồng cây ăn quả, hoa, rau an toàn có giá trị kinh tế cao. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, toàn huyện chuyển đổi được 90ha, nâng tổng số diện tích chuyển đổi sản xuất cây có giá trị kinh tế tập trung toàn huyện đạt 914,9ha, trong đó sản xuất rau 499ha, trồng hoa 344ha. Nhờ tích cực chuyển đổi, năm 2012 giá trị canh tác bình quân trên địa bàn huyện đạt 204 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 4 lần so với năm 2007. Trong đó mô hình sản xuất hoa ly ở xã Hạ Mỗ cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/ha/năm.

Ngoài sản xuất nông nghiệp, huyện Đan Phượng còn quan tâm phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đến nay, huyện đã triển khai xây dựng các điểm công nghiệp làng nghề xã Liên Hà, Liên Trung, Tân Hội, củng cố và duy trì các cụm, điểm công nghiệp và làng nghề hiện có. Toàn huyện hiện có một cụm công nghiệp và 6 điểm công nghiệp làng nghề, 72 làng nghề.  Một số làng nghề tuyền thống được giữ gìn và phát huy như nghề sản xuất kẹo xã Song Phượng, chế biến giò chả xã Tân Hội, nem Phùng ở thị trấn Phùng, đồ mộc Liên Hà... Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống chỉ còn hơn 4%.

Đổi thay diện mạo

Nói đến chương trình xây dựng NTM của huyện Đan Phượng không thể không kể tới sự thay đổi rõ rệt về diện mạo khu vực nông thôn của mảnh đất "Phượng hoàng đỏ bay lên" này. Về xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, toàn bộ các tuyến đường giao thông nông thôn đều đã được bê tông hóa rộng rãi, đi lại thuận tiện. Nhà ở trong các khu dân cư cũng được chỉnh trang, xây dựng cùng với những công trình như Nhà truyền thống xã, trường học, nhà văn hóa, ao môi trường… đã đem lại bộ mặt tươi mới, khang trang cho xóm làng. Ông Bùi Văn Đức - Chủ tịch UBND xã Song Phượng cho biết, qua hơn 3 năm triển khai xây dựng NTM, đến nay, xã đã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí NTM.

Một trong những điểm sáng của Đan Phượng trong quá trình thực hiện Chương trình 02 là xây dựng đường giao thông nông thôn. Toàn huyện đã xây dựng 50km đường liên xã, rải nhựa asphalt chiều rộng mặt đường 14 - 20m; 17,19km đường trục thôn bằng bê tông hoặc nhựa asphalt, chiều rộng mặt đường từ 7m trở lên; 131,2km đường ngõ xóm; 100km đường giao thông nội đồng bằng bê tông xi măng. Đến nay, huyện đã cơ bản hoàn thành tiêu chí về giao thông nông thôn. Ông Đinh Hữu Hạnh - Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết, để làm tốt được công việc này, huyện đã phát động đông đảo nhân dân tham gia chung sức với khẩu hiệu "xây dựng từ trong nhà ra ngoài ngõ" và phân công cho mỗi đoàn thể phụ trách một tuyến đường.

Ông Hạnh cho biết thêm, trong quá trình xây dựng NTM, huyện xác định những vấn đề bức xúc nhất, cần thiết nhất bàn bạc với nhân dân thực hiện trước. Đến nay, huyện đã đầu tư 24 điểm trung chuyển sinh hoạt rác thải, xây dựng 30 ao môi trường và dành 30 tỷ đồng/năm để thực hiện việc thu gom, xử lý rác thải, vệ sinh vườn hoa, đường giao thông, nơi công cộng. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành T.Ư khóa X và Chương trình hành động số 02 của Thành ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, huyện Đan Phượng đã có 1 xã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí NTM; 11 xã đạt và cơ bản đạt 14 - 18 tiêu chí; 3 xã Thọ Xuân, Trung Châu, Hồng Hà đạt và cơ bản đạt 12 - 13 tiêu chí. Huyện phấn đấu đến năm 2015 toàn bộ 15/15 xã trên địa bàn đạt 19/19 tiêu chí NTM. 

Tại buổi làm việc với UBND huyện Đan Phượng về 5 năm thực hiện Nghị quyết 26 mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đánh giá, huyện Đan Phượng đã triển khai Nghị quyết một cách toàn diện, sáng tạo, năng động và quyết liệt. Nhờ đó huyện đã thu được những kết quả tích cực về cả mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội và kết quả thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM của huyện là rất cao so với mặt bằng chung của cả nước. Phó Thủ tướng lưu ý, thời gian tới, huyện duy trì, phát triển những tiêu chí đã đạt được, quán triệt nhân dân giữ gìn cơ sở hạ tầng đã được đầu tư xây dựng. Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, lựa chọn những sản phẩm phù hợp, gắn với thị trường, nâng cao thu nhập ổn định cho người dân. Đan Phượng đang nỗ lực phấn đấu sớm về đích là huyện NTM.