Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phân khu đô thị GS: Vùng đệm xanh của Thủ đô

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tuần qua, Sở QH - KT Hà Nội đã công bố Quy hoạch phân khu đô thị GS, tỷ lệ...

Kinhtedothi - Trong tuần qua, Sở QH - KT Hà Nội đã công bố Quy hoạch phân khu đô thị GS, tỷ lệ 1/5.000. Theo đánh giá, đây là bản quy hoạch có phạm vi tác động rất lớn đến TP Hà Nội bởi nó liên quan đến địa bàn của 9 quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín.

Bên cạnh đó, phân khu GS trải dài, nằm tiếp giáp với 5 phân khu đô thị từ S1 đến S5. Trong phân khu có nhiều trục giao thông chính, các công trình trọng điểm trên trục Tây Thăng Long, Hồ Tây - Ba Vì, Đại lộ Thăng Long...

Phát triển đô thị dựa vào cảnh quan thiên nhiên
Phân khu đô thị GS được giới hạn bởi phía Bắc là đê sông Hồng, phía Đông là sông Nhuệ và một phần nhánh sông Tô Lịch, phía Tây và Nam giáp các phân khu đô thị từ S1 đến S5.
Tổng diện tích đất nghiên cứu quy hoạch khoảng 6.660, 55ha
Quy mô dân số dự báo tối đa đến năm 2050 khoảng 289.400 người.

Khu vực quy hoạch bao gồm khu vực vành đai xanh sông Nhuệ và các nêm xanh phía Nam sông Hồng. Khu vực vành đai xanh sông Nhuệ có tính chất, chức năng là vùng không gian xanh sinh thái chuyển tiếp giữa khu vực nội đô và vùng đô thị phát triển mở rộng.

Theo Quyết định 1259/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã xác định rõ đây là khu vực đệm. Theo đó, phân khu GS là không gian cây xanh, mặt nước ngăn cách giữa các khu đô thị, kết hợp các công trình thể thao, vui chơi giải trí tiện ích đô thị. Phân khu GS có tác dụng ngăn cách giữa các phân khu đô thị, tránh sự phát triển lan tỏa của các khu vực đô thị. Về mục tiêu lập quy hoạch, thứ nhất là khu vực chuyển tiếp không gian giữa khu vực nội đô và khu vực mở rộng; thứ hai là phát triển một khu vực sinh thái bền vững, cung cấp một không gian mở và tiện ích đô thị cho các khu đô thị trung tâm; thứ ba là giải quyết các tồn tại của các khu vực dân cư; thứ tư là nâng cao chất lượng sông Nhuệ, bảo vệ sông ngòi, kênh rạch, làng xóm lâu đời; thứ năm là tạo chiến lược sử dụng đất hiệu quả.

Phó Giám đốc Sở QH - KT Bùi Mạnh Tiến cho biết, phân khu đô thị GS được chia thành 11 khu quy hoạch với 48 ô quy hoạch và đường giao thông cấp đô thị để kiểm soát phát triển, trong đó, các ô quy hoạch tương đương các đơn vị ở, nhóm ở và ô đất chức năng. Ranh giới các khu quy hoạch được giới hạn bởi các tuyến đường giao thông đối ngoại (đường Vành đai 4), đường cấp đô thị (đường hướng tâm, đường 70, đường Vành đai 3,5), phân chia các khu vực đặc trưng trong vành đai xanh, nêm xanh theo định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
Một góc quận Nam Từ Liêm, nằm trong quy hoạch phân khu GS. 	Ảnh: Phạm Hùng
Một góc quận Nam Từ Liêm, nằm trong quy hoạch phân khu GS. Ảnh: Phạm Hùng
Quy hoạch xác định việc phát triển không gian đô thị dựa vào cảnh quan thiên nhiên hiện có, bao gồm hệ thống mặt nước, sông hồ hiện có, tạo sự kết nối không gian xanh với khu vực vành đai xanh và mặt nước sông Hồng. Tổ chức không gian đô thị được xác lập chủ yếu là không gian cây xanh, mặt nước, các công trình thấp tầng và các không gian mở, kết nối không gian xanh với các công viên đô thị trong các phân khu lân cận thành hệ thống, hình thành các công viên chuyên đề đa dạng gắn với văn hóa, truyền thống và nhu cầu của đô thị. Không gian trong các đơn vị ở được tổ chức theo cấu trúc sinh thái, gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Các làng xóm cũ được cải tạo theo hướng tăng cường hệ thống hạ tầng, giao thông, cây xanh, gìn giữ cấu trúc làng xóm cũ. Khu vực cao tầng hình thành trên cơ sở hiện trạng các cụm công trình đã đầu tư xây dựng hoặc trên những tuyến giao thông chính kết nối với các phân khu lân cận như khu vực Đông Nam ga Phú Diễn, hai bên tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài, khu vực Xa La - đường 70. Đối với các khu vực chức năng khác, tổ chức không gian thấp tầng, tăng cường hệ thống sân vườn, cây xanh.

Về phân bổ hệ thống hạ tầng xã hội, do trong khu vực này không phát triển các khu chức năng đô thị mới và chủ yếu là cải tạo các khu dân cư, làng xóm hiện có, các đồ án, dự án điều chỉnh theo quy hoạch, vì thế phân bổ các công trình hạ tầng xã hội như trường học được xem xét cân đối theo các ô quy hoạch, sử dụng chung hạ tầng xã hội với các phân khu lân cận hoặc các đơn vị ở. Hệ thống công viên cây xanh, trong hệ thống có 2 loại chức năng là cây xanh đô thị và cây xanh nông nghiệp.

Làm rõ “số phận” các dự án...

Trong số 9 quận, huyện, nằm trong phân khu GS, diện tích đất của quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và huyện Thanh Trì chiếm tỷ trọng lớn nhất. Về hiện trạng, khu vực nghiên cứu chủ yếu là đất nông nghiệp, chiếm 52%; diện tích mặt nước chiếm 8,7%; quỹ đất hiện trạng là khu vực dân cư, làng xóm chiếm 30,5%, còn lại là khu chức năng khác.

Các địa phương cũng như nhiều nhà đầu tư đã rất mong đợi đồ án này được phê duyệt, vì phân khu đô thị GS có liên quan đến khoảng 125 dự án, đồ án. Theo đại diện của đơn vị tư vấn là Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, để xác lập đồ án, các địa phương, sở, ngành đã cùng với Viện tiến hành rà soát lại các đồ án, dự án để điều chỉnh vì đã xác định mục tiêu đây là khu vực vành đai xanh, nêm xanh cho Thủ đô. 125 dự án này được phân thành 3 loại, loại 1 được tiếp tục triển khai là các dự án phù hợp quy hoạch, các dự án đầu tư đã thực hiện các quy định về nghĩa vụ tài chính, được giao đất, đền bù GPMB, cấp giấy phép xây dựng. Loại 2 là các dự án được tiếp tục triển khai và phải điều chỉnh. Đây là các dự án đầu tư đã được cấp thẩm quyền chấp thuận về chủ trương, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, chưa đền bù GPMB nằm trong khu vực được xác định là vành đai xanh; các dự án xen kẹt trong khu dân cư hoặc công trình xây dựng hiện có được thực hiện sau khi điều chỉnh quy hoạch. Loại 3 là các dự án đầu tư phải dừng triển khai hoặc chuyển đổi chức năng sử dụng đất do nằm trong khu vực mà quy hoạch phân GS xác định chức năng là đất cây xanh, công viên thuộc vành đai xanh sông Nhuệ, nêm xanh.

Tại đồ án được duyệt, UBND TP đã xác định rõ, đối với các đồ án, dự án chưa được nghiên cứu cập nhật vào GS do chưa có thông tin cung cấp sẽ được nghiên cứu xem xét, cập nhật theo các quan điểm, nguyên tắc, tiêu chí đánh giá, phân loại, rà soát phù hợp với định hướng của quy hoạch chung và quy hoạch phân khu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.

Liên quan đến phân khu GS còn có khoảng 7 đồ án, dự án thành phần về quy hoạch điểm dân cư nông thôn mà các địa phương đã triển khai. Về nguyên tắc xử lý và định hướng đối với khu vực dân cư nằm trong phân khu đô thị, đơn vị tư vấn cho biết, về cơ bản là tôn trọng và cập nhật các công trình công cộng, giáo dục, thể dục thể thao đã xác định trong quy hoạch nông thôn mới đã phê duyệt. Đồng thời cải tạo chỉnh trang các khu vực dân cư hiện có, GPMB các khu vực nằm trong phạm vi mở đường quy hoạch, hành lang sông mương và các công trình hạ tầng khác... Với các quỹ đất xen kẹt, tiếp giáp khu dân cư hiện có với đường giao thông, các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, đất phục vụ di dân, giãn dân, chuyển đổi lao động việc làm cho địa phương, hạn chế sử dụng để đấu giá và không sử dụng để xây dựng nhà ở thương mại. Đặc biệt không san lấp hồ ao hiện có trong khu dân cư, các quỹ đất công, đất trống trong khu vực dân cư được ưu tiên xây dựng không gian xanh và sân chơi.
Quy hoạch không gian ngầm đô thị trung tâm Hà Nội
UBND TP Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ 1/10.000.
Đô thị trung tâm TP thuộc địa giới hành chính các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Long Biên, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín. Quy mô diện tích khu vực nghiên cứu quy hoạch khoảng 75.600ha (756km2) với dân số đến năm 2030 khoảng 4,6 triệu người; đến năm 2050 khoảng 5,4 triệu người.
Quy hoạch được xác lập nhằm cụ thể hóa và bổ sung nội dung quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị của đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về xây dựng, quản lý và sử dụng công trình ngầm. Quy hoạch cũng là cơ sở cho việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu không gian xây dựng ngầm đô thị và các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn. Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội được giao tổ chức lập quy hoạch với yêu cầu về thời gian không quá 12 tháng tính từ ngày TP phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch (3/12/205).