Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phần Lan: Gia nhập NATO có thể làm leo thang căng thẳng ở châu Âu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phần Lan đang tìm giải pháp tăng cường an ninh của nước này giữa khủng hoảng Nga-Ukraine, song cho rằng lựa chọn gia nhập NATO có thể khiến nguy cơ leo thang ở châu Âu. 

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto. Ảnh: AP
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto. Ảnh: AP

Theo TTXVN, trả lời phỏng vấn của tạp chí Financial Times ngày 20/3, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cho biết nước này hiện là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) nhưng không thuộc Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hai lựa chọn chính của quốc gia này trong tương lai là gia nhập NATO hoặc tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ và nước láng giềng Thụy Điển mà không tham gia liên minh. 

Ông Niinisto nhấn mạnh rằng cả hai lựa chọn trên đều có một ưu điểm là tăng cường an ninh cho Phần Lan. Theo nhà lãnh đạo Phần Lan, ông hiểu rõ rằng gia nhập NATO dường như có thể giúp nước này không phải lo lắng, nhưng tất cả các lựa chọn cũng sẽ có những rủi ro đi kèm.

Rủi ro chính ở thời điểm hiện tại là sự leo thang tình hình ở châu Âu trong bối cảnh đang xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Niinisto nhấn mạnh Phần Lan cuối cùng sẽ đặt vấn đề an ninh của đất nước lên hàng đầu khi đưa ra quyết định.

Việc Ukraine mong muốn gia nhập NATO là một trong những chủ đề thảo luận trong các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Kiev và Moskva nhằm tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 15/3 tuyên bố đã đến lúc phải thừa nhận rằng nước này sẽ không trở thành một thành viên của NATO.

NATO dự kiến sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh bất thường vào ngày 24/3 tới tại Brussels, Bỉ, trong đó tập trung thảo luận về tình hình Ukraine và nhiều vấn đề khác.

Trong thông báo ngày 20/3, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết Tổng thống Recep Tayyip Erdogan sẽ tham gia hội nghị này. Thổ Nhĩ Kỳ là nước thành viên NATO tích cực đóng vai trò làm trung gian hòa giải giữa Ukraine và Nga.