Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phân loại phim theo độ tuổi: Không chỉ có phim 18+

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Theo dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), phim được phân loại theo 6 cấp độ. Theo các nhà làm phim, việc phân chia này cần được áp dụng thống nhất trên các nền tảng phát hành.

6 cấp độ phân loại

Theo dự thảo Luật, phim được phân loại theo nội dung để phổ biến phù hợp với độ tuổi như sau: Loại P là phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi; loại T18 là phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên; loại T16: Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên; loại T13: Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên; Loại K: Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ; Loại C: Phim không được phép phổ biến.

Phim được phát hành trên nền tảng Netflix. Ảnh: Minh An.
Phim được phát hành trên nền tảng Netflix. Ảnh: Minh An.

Theo các nhà làm phim, việc phân loại theo độ tuổi là phù hợp với tiêu chuẩn chung của quốc tế, đã dựa trên sự tham khảo ở nhiều quốc gia trên thế giới, dựa trên các yếu tố về thể chất, tâm sinh lý, văn hóa, giáo dục… với người Việt. Tiêu chí phân loại phim theo độ tuổi được quy định dựa theo chủ đề phim, mức độ các yếu tố bạo lực, hình ảnh khỏa thân, tình dục, sử dụng ma túy, các chất kích thích, hình ảnh, âm thanh kinh dị, ngôn ngữ thô tục xuất hiện trong phim.

Tuy nhiên, theo đạo diễn Phan Đăng Di: “Khi phân chia như vậy, chúng ta cần đặt câu hỏi cơ chế giám sát sẽ được thực hiện như thế nào”. Đạo diễn “Bi ơi đừng sợ” bày tỏ, việc phân loại phim có thể chỉ có ý nghĩa ở các rạp chiếu phim. Bởi hiện nay, người xem không chỉ xem phim ở rạp mà còn trên nhiều nền tảng truyền hình trả tiền khác. Do vậy, nếu việc phân loại phim chỉ áp dụng cho rạp chiếu phim thì các rạp sẽ bị ảnh hưởng. Đồng thời, có thể dẫn đến tình trạng, phim ở rạp khác với phim trên các nền tảng truyền hình trả tiền, đây là sự không thống nhất khi đưa ra một tiêu chuẩn chung. Điều này có thể dẫn đến việc, rạp chiếu phim mất dần khán giả. Vì vậy, đạo diễn Phan Đăng Di nhấn mạnh, việc phân loại độ tuổi người xem cần sự thống nhất chung trên toàn bộ hệ thống phát hành phim.

Kinh nghiệm quốc tế và thực tế trong nước

Thực tế chỉ ra rằng, việc kiểm soát dán nhãn phim chiếu tại rạp hay trên truyền hình là có thể, trong khi trên mạng internet, truyền hình trả tiền xem ra là nhiệm vụ khó khả thi. Đã có ý kiến bày tỏ: Kiểm soát phim trên internet là việc rất khó. Dán nhãn nhằm mục đích cảnh báo, hướng dẫn khán giả, còn cơ quan quản lý không thể nào kiểm soát hết được, mà trách nhiệm còn thuộc về phía người xem.

Mặt khác, theo các nhà làm phim, ở các nền điện ảnh phát triển, phim cũng được phân loại theo nhiều cấp độ khác nhau nhưng dựa trên sự tự nguyện. “Ở các nước, đơn vị nào muốn phát hành phim rộng rãi phải thông qua hội đồng kiểm duyệt của các rạp chiếu phim để xếp loại. Hội đồng đó sẽ có những ràng buộc, quyết định khách hàng được xem. Thông thường, cơ quan chức năng không can thiệp vào điện ảnh” - đạo diễn Phan Đăng Di chia sẻ.

Đạo diễn phim “Bi ơi đừng sợ” cũng chỉ ra rằng, trên các nền tảng phim trả tiền cũng có dán nhãn, phân loại độ tuổi cho người xem. Tuy nhiên, trên các hệ thống truyền hình trả tiền toàn cầu như Netflix không có biện pháp để giám sát người xem ở độ tuổi nào. Trẻ em có thiết bị vẫn có thể xem tất cả các phim. Vì vậy, việc dán nhãn là để cảnh báo, việc xem hay không dựa trên tinh thần tự nguyên của khán giả và để phụ huynh có thể giám sát.

Vấn đề đặt ra hiện nay là cơ chế giám sát nhưng các cơ quan chức năng vẫn “ngại chịu trách nhiệm” vì các tiêu chí chưa rõ ràng. “Đây là bất cập nhiều năm những vẫn chưa thay đổi được. Muốn làm được điều này, rất cần những người quản lý văn hoá hiểu điện ảnh và việc phân loại hướng đến lợi ích của người xem, không phải sự an toàn của nhà quản lý” - đạo diễn Phan Đăng Di cho hay.