Phân loại rác tại nguồn: Gắn với đặc thù, mục tiêu của mỗi quốc gia

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đẩy mạnh phân loại rác tại nguồn sẽ vừa tận dụng được tài nguyên rác để tái chế vừa giảm lượng rác phải xử lý. Hiện nay, nhiều quốc gia đã thực hiện thành công việc quản lý chất thải rắn, góp phần bảo vệ môi trường, đặc biệt chú trọng về cách phân loại, quản lý rác thải tại nguồn.

Còn nhiều thách thức
Hiện nay, tại các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội trung bình mỗi ngày thải bỏ ra khoảng hơn 7.000 tấn rác. Tuy nhiên, toàn bộ rác sinh hoạt đa phần chưa được phân loại tại nguồn, tất cả được vận chuyển đến bãi chôn lấp thuộc Khu liên hiệp xử lý rác Nam Sơn - Sóc Sơn và bãi Xuân Sơn. Với công nghệ xử lý hiện tại và lượng rác thải ra ngày càng tăng thì theo tính toán, những bãi chôn lấp rác sẽ hết khả năng tiếp nhận rác trong những năm tới.
Phân loại rác tại nguồn: Gắn với đặc thù, mục tiêu của mỗi quốc gia - Ảnh 1
Unilever Việt Nam hợp tác cùng Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) triển khai chương trình khuyến khích phân loại rác tại nguồn gắn liền với xử lý và tái chế rác thải trên địa bàn Hà Nội đến hết năm 2025 (Ảnh: Unilever Việt Nam)
Theo các chuyên gia về môi trường, việc phân loại rác tại nguồn sẽ góp phần tiết kiệm tài nguyên, mang lại lợi ích cho Nhà nước qua nguồn thải từ việc tận dụng phế liệu tái chế và phân compost tự chế biến. Không những thế, còn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ, sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường, giảm thiểu ô nhiễm, đồng thời tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý.
Mặc dù đem lại rất nhiều lợi ích nhưng thực tế cho thấy, tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng dù đã có rất nhiều nỗ lực song việc phân loại rác tại nguồn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Không ít chương trình phân loại rác tại nguồn, dự án xử lý rác thải được triển khai, nhưng chỉ một thời gian ngắn lại lặng lẽ chìm dần.
Theo PGS.TS Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, để thực hiện thành công việc phân loại rác tại nguồn cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo thành phố, các cơ quan quản lý chuyên môn của Nhà nước để từ đó thu hút được sự tham gia của người dân - những chủ thể và cũng là mục tiêu hướng tới của hệ thống thực hiện phân loại rác tại nguồn. Cần xây dựng được cơ chế khuyến khích, ví dụ như rác tái chế thì không thu phí thu gom, rác cần xử lý thì thu phí cao hơn để tạo động lực cho người dân thực hiện.
Bên cạnh đó, PGS.TS Bùi Thị An cũng nhấn mạnh vai trò của các công ty thu gom rác thải. Không chỉ có vai trò quan trọng trong hệ thống thu gom mà bản thân những người công nhân thu gom còn đóng vai trò những người giám sát trực tiếp việc thực hiện phân loại rác tại nguồn.
Kinh nghiệm từ các nước phát triển
Rất nhiều nước trên thế giới đã tiến hành thành công chương trình phân loại rác tại nguồn. Để làm được điều này, các quốc gia đều xây dựng chương trình phân loại rác tại nguồn là mục tiêu quốc gia, lộ trình được xây dựng một cách cụ thể nên việc tiến hành từng bước đều được kiểm soát tốt, mang tính kế thừa triệt để giữa thành thị và nông thôn. Điều đó cho thấy, tùy vào đặc thù, tùy vào mục tiêu của mỗi quốc gia mà họ sẽ có hướng phân loại riêng biệt phục vụ các chương trình quốc gia cụ thể.
Phân loại rác tại nguồn: Gắn với đặc thù, mục tiêu của mỗi quốc gia - Ảnh 2
 Rác được chia làm 4 loại ở Nhật Bản. (Ảnh: Tofugu.com)
Tại Nhật Bản, Singapore chương trình phân loại rác tại nguồn của họ sẽ hướng tới 1 công nghệ cụ thể là công nghệ đốt. Theo báo cáo của Waste Atlas, mỗi năm, Nhật Bản xả ra khoảng 45 triệu tấn rác, đứng thứ 8 trên thế giới. Để giảm tải xả rác ra môi trường, người dân nước này luôn trân trọng tất cả vật dụng vẫn còn giá trị sử dụng và luôn cố gắng tái sử dụng chứ không vứt ngay. Bên cạnh đó, việc phân loại rác rất chính xác và khắt khe.
Về cơ bản, rác được chia làm 4 loại thông thường, rác đốt được như giấy gói, vỏ nhựa, chai nhựa, cao su và da, loại rác này được thu gom từ nhà dân 2 lần mỗi tuần. Các loại rác không đốt được như đồ gốm, sứ, kính mắt, đồ điện tử, chảo… sẽ được thu gom vào mỗi tháng.
Hai loại rác còn lại là rác quá khổ và các loại lon, vỏ hộp kim loại, sẽ được thu gom 2 lần một tháng. Chỉ có 1% rác thải bị thải ra môi trường, phần lớn rác được tiêu huỷ trong các lò đốt rác khổng lồ, vì Nhật Bản không có đủ diện tích đất cho các bãi tập kết. Phần lớn rác được xử lý bằng cách đốt. Người dân nước này cũng phải trả rất nhiều tiền cho các dịch vụ thu gom và xử lý các loại rác đặc biệt như đồ điện tử, xe gắn máy, hoặc đồ quá khổ. Ở Tokyo, sẽ phải trả khoảng 1.200 yen (250.000 đồng) để vứt một chiếc đệm, 2.000 yen (410.000 đồng) cho một chiếc sofa.
Còn ở Hà Lan, do đặc thù nông nghiệp nên việc phân loại rác tại nguồn hướng đến là tách thành phần hữu cơ ra khỏi rác. Từ đó sản xuất phân bón phục vụ nền nông nghiệp.
Hàn Quốc là một trong những nước thực hiện rất tốt công tác phân loại rác tại nguồn nên việc xử lý rác ít tốn kém. Rác được phân loại và bỏ vào các túi màu xanh, màu vàng khác nhau. Mỗi loại rác đi vào các nhà máy khác nhau. Các túi này được sản xuất theo quy chuẩn của nhà nước. Rác được bỏ trong những túi này mới được thu gom.
Đặc biệt, rác hữu cơ nhà bếp một phần được sử dụng làm giá thể nuôi trồng nấm thực phẩm, phần lớn hơn được chôn lấp có kiểm soát để thu hồi khí biogas cung cấp cho phát điện. Sau khi rác tại hố chôn phân huỷ hết, tiến hành khai thác mùn ở bãi chôn làm phân bón.
Có thể thấy, tại các nước phát triển việc phân loại rác tại nguồn đã được tiến hành cách đây khoảng 30 năm và đến nay cơ bản đã thành công trong việc tách rác thành 2 dòng hữu cơ dễ phân hủy được thu gom xử lý hàng ngày, rác khó phân huỷ có thể tái chế hoặc đốt, chôn lấp an toàn được thu gom hàng tuần.
Từ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, để công tác phân loại và quản lý rác thải tại nguồn ở Việt Nam đạt kết quả tốt nhất, phù hợp với mục tiêu phát triển của đất nước, Phó Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng Trần Thị Hương cho rằng, cần đánh giá đúng tầm quan trọng của công việc phân loại rác tại nguồn, phân tích được bài toán lợi ích và chi phí khi tiến hành phân loại.
“Quan trọng hơn nữa là xây dựng chương trình quốc gia có lộ trình cụ thể, nên bắt đầu từ đô thị lớn như các thành phố trực thuộc Trung ương và dần đến đô thị nhỏ hơn, cuối cùng là khu vực nông thôn. Đồng thời, đánh giá mối liên hệ hữu cơ giữa phân loại rác tại nguồn và việc sản xuất phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp” - Phó Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho biết.