Phần lớn DN phải gồng mình với lãi suất

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nút thắt hiện nay là tiền tệ - tín dụng. Các quy định hiện hành làm cho thị trường liên ngân hàng mất vai trò điều hòa cung cầu vốn.

KTĐT - Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nút thắt hiện nay là tiền tệ - tín dụng. Các quy định hiện hành làm cho thị trường liên ngân hàng mất vai trò điều hòa cung cầu vốn.

Chỉ một số ít doanh nghiệp hưởng lãi vay 12,5-13% một năm nhưng có điều kiện về mức vay và các phí dịch vụ đi kèm. Còn lại phần lớn phải gồng mình với lãi suất 14-16%.

Thông tin trên được Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia Lê Đức Thúy đưa ra tại Hội nghị đầu tư 2010 sáng 22/7. Ông Thúy nhận định, mức lãi suất cho vay như vậy hiện quá cao so với mức chịu đựng của doanh nghiệp và dân cư.

Cũng vì vậy, đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng thấp, doanh nghiệp tư nhân, vừa và nhỏ khát vốn. Hệ quả là kinh tế sẽ không dễ đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5-6,7%. Còn nếu đạt được, đà hồi phục vào năm sau có thể chậm lại, ông Thúy nhận xét

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nút thắt hiện nay là tiền tệ - tín dụng. Các quy định hiện hành làm cho thị trường liên ngân hàng mất vai trò điều hòa cung cầu vốn. Lãi suất ngân hàng đang ở mức thấp nhưng các tổ chức tín dụng chưa thể tiếp cận nhiều bởi rào cản không được huy động quá 20% vốn liên ngân hàng so với nguồn vốn từ dân cư. Trong khi đó, các ngân hàng nhỏ cạnh tranh về huy động khiến mặt bằng lãi suất tiền gửi tăng cao.

Ông Thúy cũng lưu ý, mức lãi suất tiền gửi hiện cao hơn lạm phát nhưng tốc độ huy động vốn của các ngân hàng đang giảm dần.

Tại hội nghị này, bà Đàm Bích Thủy, Tổng giám đốc Ngân hàng ANZ đưa ra một lời khuyên cho các doanh nghiệp về huy động vốn. Theo bà Thủy, ngoài việc gõ cửa nhà băng, thu hút vốn từ cổ đông, doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vay tương đối dài hạn là phát hành trái phiếu. Lãi suất tương đối cao, nhưng doanh nghiệp thường chỉ trả lãi, còn phần gốc sẽ được trả vào cuối kỳ.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tham dự phản ánh, phần lớn đối tượng mua trái phiếu là ngân hàng. Doanh nghiệp cũng phải trả nhà băng cả lãi lẫn gốc sau một thời gian nhất định nên không khác gì đi vay ngân hàng.

Bà Thủy giải thích, phát hành trái phiếu không chỉ có nhà băng mua mà còn có nhiều đối tượng khác nên nguồn huy động của doanh nghiệp sẽ đa dạng hơn. Phát hành trái phiếu (loại thông thường, chuyển đổi, trái phiếu kết hợp với quyền mua…) là xu hướng mới trong những năm gần đây, bên cạnh kênh huy động vốn truyền thống (vốn cổ đông, vay ngân hàng, vay hợp vốn).

Không đưa ra dự đoán kịch bản Vn-Index trong thời gian tới, song những chuyên gia tài chính tham dự hội nghị về đầu tư 2010 dự báo, nếu mức lãi suất thấp được hình thành, dòng vốn sẽ chảy vào nền kinh tế, thị trường chứng khoán có thể sẽ tăng trưởng trở lại.