Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Pháo đài” chống dịch!

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TP Hồ Chí Minh đang trải qua những ngày tháng chống dịch thần tốc, quyết liệt hơn bao giờ hết. Ở đó có những mất mát, hy sinh, có những nỗi đau đến nghẹn lòng. Hàng trăm ca tử vong mỗi ngày là hàng trăm gia đình phải chia lìa, ly biệt. TP Hồ Chí Minh là địa phương có hệ thống y tế tốt nhất cả nước, nhưng đã bị quá tải, khi số ca nhiễm lớn, số bệnh nhân nặng tăng lên, áp lực lớn cho hệ thống y tế, số ca tử vong nhiều cũng là điều khó tránh khỏi.

Nhân viên y tế hướng dẫn người dân tự làm test nhanh tại nhà. Ảnh: Nguyên Khôi
Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam là 2,4% so với tổng số ca mắc, tương đương với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới. Tuy nhiên, nếu trong thời gian tới, dịch vẫn tiếp tục gia tăng, số ca tử vong sẽ khó bề chững lại khi hệ thống y tế tại tâm dịch TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… vốn đang bị quá tải. Có thể nói, kể từ khi chủng Delta tràn vào, Việt Nam đã từng bước trải qua những gì mà các quốc gia khác đã phải gánh chịu về cả tốc độ lây nhiễm và mức độ tàn khốc của nó. Các chuyên gia y tế cho rằng, với biến chủng này, y tế các địa phương phải giữ chiến lược theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đó là hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc, số trường hợp tử vong. Nếu không giảm được số mắc thì rất khó khăn trong can thiệp y tế, thực tế đã có nhiều quốc gia “vỡ trận” hệ thống y tế do số mắc quá cao, dẫn tới số tử vong lớn. Trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp chống dịch quyết liệt, đáng chú ý nhất là thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg tại 19 tỉnh, TP phía Nam và Hà Nội. Theo Thủ tướng Chính phủ, việc thực hiện giãn cách xã hội mang lại những kết quả nhất định. Tuy nhiên, tình hình vẫn diễn biến phức tạp, khó lường.
Đáng lo ngại, một số cá nhân, đơn vị, cơ quan còn chưa nghiêm túc thực hiện qui định phòng, chống dịch. Ở đâu đó, người dân vẫn còn lơi là, chủ quan, mất cảnh giác trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Điển hình, tại TP Hồ Chí Minh trước ngày siết giãn cách (trước 23/8), nhiều địa bàn vẫn còn tụ tập đông người, người dân chen chân đi siêu thị, đến các điểm bán hàng tự phát, vẫn còn những trường hợp ra đường không có lý do chính đáng… Còn tại Hà Nội, trong những ngày qua tiếp tục ghi nhận nhiều ca nhiễm, chùm ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trong khi đó, tại nhiều con đường, tuyến phố vẫn tấp nập người qua lại.

Để ai ở đâu ở yên đấy, hạn chế tối đa việc để người dân phải ra khỏi nhà, tại Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp như thiết lập vùng xanh, dịch vụ đi chợ hộ, đặc biệt, người dân ở các “vùng đỏ” được chính quyền tiếp tế nhu yếu phẩm đến từng hộ gia đình. Còn tại TP Hồ Chí Minh, từ 23/8, tất cả hoạt động mua sắm hàng hóa, lương thực, thực phẩm của người dân sẽ được các cơ quan địa phương hỗ trợ cùng với sự vào cuộc của lực lượng quân đội... Nhiều người dân đã viết nên câu chuyện cảm động của mình, khi được những người lính trao tận tay túi thực phẩm thiết yếu. Người dân TP Hồ Chí Minh đã yên tâm “ở yên” trong nhà khi có lực lượng áo xanh lo chu đáo, trao thực phẩm đến tận tay.

“Mong ngày chiến thắng dịch bệnh” – đây là niềm mong ước lớn nhất với bất cứ ai trong thời điểm này. Điều đó, phụ thuộc phần lớn vào ý thức của mỗi người, bởi mỗi người dân được ví như một "pháo đài" chống dịch.