Hiện, Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha tuyên bố sẽ chính thức công nhận tư cách nhà nước của Palestine từ ngày 28/5, thể hiện sự ủng hộ đối với giải pháp hai nhà nước - đề cập đến việc Palestine sẽ chung sống hòa bình với Israel tại Dải Gaza - nhằm mang lại hòa bình cho Trung Đông.
“Việc công nhận Palestine với tư cách là một nhà nước độc lập không phải là điều cấm kị đối với Pháp. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng điều này chưa thực sự tạo nên sự khác biệt đối với tình hình xung đột tại Trung Đông”-quan chức này cho biết.
Đầu tháng này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập. Tuyên bố của ông được đưa ra sau chuyến thăm Paris của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Giải pháp hai nhà nước, đề cập đến việc thành lập một nhà nước Palestine tại Dải Gaza - vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng từ năm 1967, được Liên Hợp quốc và nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ - đồng minh quan trọng của Israel - ủng hộ. Nếu được triển khai, kế hoạch này có thể buộc những người định cư Israel phải di dời khỏi mảnh đất này.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã công khai phản đối việc thành lập nhà nước cho người Palestine.
Không chỉ Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha, các quốc gia như Bulgaria, Síp, Cộng hòa Séc, Hungary, Malta, Ba Lan, Romania và Slovakia đã công nhận nhà nước Palestine từ năm 1988. Vào năm 2014, Thụy Sĩ là quốc gia tiếp theo làm điều này. Nga và Trung Quốc cũng thể hiện sự ủng hộ đối với việc thành lập một nhà nước Palestine và lấy Đông Jerusalem làm thủ đô.
Ngày càng nhiều quốc gia bày tỏ quan điểm ủng hộ việc thành lập một nhà nước Palestine kể từ khi xung đột giữa Israel và Hamas bùng phát gần 8 tháng trước.
Chính phủ ông Netanyahu đã phát động cuộc tấn công chống lại Hamas ở Gaza sau khi lực lượng này bất ngờ tấn công Israel vào ngày 7/10, khiến 1.200 người thiệt mạng và bắt giữ khoảng 250 con tin. Theo Bộ Y tế Gaza, khoảng 35.000 người đã thiệt mạng trong các vụ công kích của quân đội Israel vào mảnh đất này.
Thủ tướng Netanyahu gần đây đã ra lệnh tấn công TP Rafah khi cho rằng đây là nơi ẩn nấp của một nhóm quân Hamas. Động thái quân sự đã được triển khai bất chấp lời kêu gọi của quốc tế về việc tạm ngừng xung đột, nhằm tránh gây ra thương vong hàng loạt cho người dân. Hiện khu vực này là nơi trú ẩn của hơn một triệu người dân Palestine.
Tuần trước, EU kêu gọi Israel ngay lập tức chấm dứt việc tấn công Rafah nếu như không muốn rạn nứt mối quan hệ mật thiết giữa hai bên.