Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

100 ngày đầu nhiệm kỳ 2 của ông Trump: "cơn lốc" chính sách và những thách thức lớn

Kinhtedothi - Hôm nay đánh dấu mốc 100 ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump, một giai đoạn được định hình bởi những quyết định táo bạo, những tranh cãi không ngừng và những thay đổi sâu rộng trong cả chính sách đối nội lẫn đối ngoại.

Từ số lượng kỷ lục các sắc lệnh hành pháp, cuộc chiến thương mại toàn cầu với những biện pháp thuế quan gây sốc, đến những động thái quyết liệt trong việc siết chặt người nhập cư, Tổng thống Trump đã tạo nên một cơn lốc chính trị, để lại dấu ấn đậm nét nhưng cũng đặt ra những câu hỏi lớn về tính bền vững của các chính sách này.

Trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ dao động và hàng loạt vụ kiện pháp lý, 100 ngày đầu tiên của ông là bức tranh vừa rực rỡ vừa đầy bất ổn, phản ánh rõ tham vọng “khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại” nhưng cũng lộ diện những thách thức phía trước.

Cuộc cách mạng hành chính

Ngay từ những giờ đầu nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã thể hiện tốc độ hành động chóng mặt, khi ký tới 142 sắc lệnh hành pháp, vượt xa kỷ lục 99 sắc lệnh của cố Tổng thống Franklin Roosevelt trong 100 ngày đầu nhậm chức vào năm 1933. Con số này không chỉ gấp 4 lần so với nhiệm kỳ đầu của chính ông vào năm 2017, mà còn vượt tổng số sắc lệnh của các tổng thống thế kỷ 21 cộng lại trong cùng kỳ.

Nội dung những sắc lệnh này trải rộng từ việc thu hẹp quy mô chính phủ liên bang, cải cách chính sách nhập cư, đến thúc đẩy năng lượng và áp đặt thuế quan. Một trong những động thái đáng chú ý là việc thành lập Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) do tỷ phú Elon Musk lãnh đạo, với mục tiêu tinh giản lực lượng lao động liên bang. Theo phân tích từ Nhóm dữ liệu truyền hình Hearst, ít nhất 49.000 nhân viên liên bang đã bị sa thải, dù con số chính xác vẫn khó xác định do các thách thức pháp lý và việc phục chức một số nhân viên.

100 ngày đầu nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Donald Trump là bức tranh vừa rực rỡ vừa đầy bất ổn. Ảnh: Gage Skidmore/Flickr

Không dừng lại ở đó, Tổng thống Trump đã hủy bỏ hơn 100 sắc lệnh hành pháp của người tiền nhiệm Joe Biden, tập trung vào các vấn đề như biến đổi khí hậu, đa dạng và công bằng. Động thái này được xem là nỗ lực xóa sạch di sản của Tổng thống Biden, nhưng cũng làm nổi bật sự mong manh của các chính sách dựa trên sắc lệnh hành pháp, vốn dễ bị đảo ngược bởi các tổng thống tương lai. 

Tuy nhiên, không phải mọi sắc lệnh đều suôn sẻ. Ít nhất 123 sắc lệnh đang đối mặt với các vụ kiện, từ lệnh cấm quân nhân chuyển giới đến nỗ lực thu hồi quyền công dân theo nơi sinh, với 9 sắc lệnh đã bị tòa án chặn hoàn toàn.

"Sóng gió" từ người nhập cư và thuế quan

Nền kinh tế trong nước, một trong những vấn đề trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump, đã chứng kiến những động thái gây sốc, đặc biệt là các chính sách thuế quan toàn diện. Với mức thuế trung bình 28% áp lên hàng nhập khẩu, cao nhất kể từ năm 1901 theo Phòng thí nghiệm Ngân sách Yale, ông Trump đã làm rung chuyển thị trường toàn cầu. Thuế quan 10% áp lên mọi hàng hóa nhập khẩu và 25% lên thép, nhôm, ô tô cùng phụ tùng đã gây ra biến động trên sàn chứng khoán và làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế.

Dù vậy, nhà lãnh đạo 78 tuổi cũng phải điều chỉnh, hoãn áp thuế ô tô sau cảnh báo từ các nhà sản xuất về nguy cơ tăng giá mỗi chiếc xe lên tới hàng nghìn USD. Tại bang Michigan, trung tâm ngành công nghiệp ô tô của Mỹ, ông Trump tuyên bố các công ty đang “xếp hàng” mở nhà máy mới. Nhưng thực tế, nhiều doanh nghiệp ở Michigan đang phải chuyển chi phí thuế quan sang khách hàng, làm tăng giá cả và gây áp lực lên người tiêu dùng.

ĐỌC NGAY: Căng thẳng đối đầu giữa ông Trump và Fed  

Về nhập cư, Tổng thống Trump đã biến lời hứa chiến dịch thành hành động với những biện pháp quyết liệt. Số người vượt biên lậu ở phía Tây Nam nước Mỹ giảm mạnh xuống 7.180 trong tháng 3, mức thấp kỷ lục, so với mức trung bình 155.000/tháng trong 4 năm trước. Nhà Trắng cũng ghi nhận hơn 65.700 người nhập cư đã bị trục xuất, dù tốc độ này chậm hơn so với năm ngoái.

Chính sách này, cùng với lệnh ân xá cho khoảng 1.500 bị cáo liên quan đến vụ bạo loạn ngày 6/1/2021, đã củng cố hình ảnh cứng rắn của vị tổng thống Mỹ trong lòng người ủng hộ, song cũng vấp phải phản đối mạnh mẽ, bao gồm từ Tòa án Tối cao, và làm sâu sắc thêm những mâu thuẫn chính trị.

Lạm phát, một điểm yếu của chính quyền Tổng thống Biden, đã giảm từ 3% xuống 2,4% vào tháng 3, mức thấp nhất trong 6 tháng. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo thuế quan của Tổng thống Trump có thể đẩy giá cả tăng trở lại, đe dọa sự phục hồi kinh tế. 

Dù ông Trump tự tin tuyên bố “nền kinh tế sẽ sớm kiếm được rất nhiều tiền”, các cuộc khảo sát gần đây được tổ chức Gallup tổng hợp cho thấy 59% người Mỹ cảm thấy tình hình kinh tế đang “trở nên tồi tệ hơn”. Tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ và tâm lý người tiêu dùng suy giảm, trong khi thị trường chứng khoán chao đảo vì các chính sách thương mại, là một vài nguyên nhân cấu thành nên tâm lý trên.

Thử thách từ cử tri Mỹ

Dù đạt nhiều kỷ lục, Tổng thống Trump vẫn phải đối mặt với tỷ lệ tín nhiệm thấp, dao động từ 39% đến 44% theo các cuộc thăm dò của NPR, GallupWashington Post. Đây là tỷ lệ tín nhiệm thấp nhất đối với bất kỳ tổng thống hiện đại nào tại mốc 100 ngày, phản ánh sự chia rẽ sâu sắc trong công chúng Mỹ. 

Dù vậy, tại cuộc mít tinh mới đây ở bang Michigan nhân dịp tròn 100 ngày cầm quyền, Tổng thống Trump đã bác bỏ các cuộc thăm dò, gọi chúng là “giả mạo”, đồng thời khẳng định đang dẫn dắt một “thời kỳ hoàng kim” cho nước Mỹ.  Đám đông cuồng nhiệt ủng hộ ông Trump với các khẩu hiệu như “100 ngày vĩ đại” và “Giấc mơ Mỹ đã trở lại” cho thấy sự hậu thuẫn vững chắc từ những cử tri nòng cốt của đảng Cộng hòa.

Tuy nhiên, sự bất mãn từ phía đảng Dân chủ và các cử tri độc lập là không thể phủ nhận. Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ gọi 100 ngày của ông Trump là “thất bại to lớn”, đồng thời cảnh báo về nguy cơ “suy thoái kiểu Trump”.

Không dừng lại ở đó, hơn 200 vụ kiện đang thách thức các chính sách của tổng thống Mỹ, từ nhập cư đến cắt giảm nhân sự liên bang. Dù tự hào về tốc độ hành động nhanh chóng, việc chỉ có 5 sắc lệnh do ông Trump ký được ban thành luật – thấp nhất kể từ thời George W. Bush – cho thấy những khó khăn của ông trong việc tạo tác động lâu dài đối với nhánh lập pháp. Hơn nữa, sự phụ thuộc vào sắc lệnh hành pháp, như đã đề cập, có thể khiến các chính sách của ông Trump dễ bị đảo ngược bởi những chính quyền tương lai.

100 ngày đầu tiên của Tổng thống Trump là minh chứng cho phong cách lãnh đạo quyết liệt, không khoan nhượng, nhưng cũng đầy rủi ro. Từ việc ký kỷ lục sắc lệnh hành pháp, tái định hình chính sách nhập cư và kinh tế, đến việc đối mặt với các vụ kiện và tỷ lệ ủng hộ thấp, ông đã tạo nên một nhiệm kỳ đầy biến động.

Tại Michigan, điệu nhảy trên nền bài hát “YMCA” và tuyên bố “chúng ta mới chỉ bắt đầu” của ông Trump vẫn khiến đám đông cuồng nhiệt, phản ánh sức hút không suy giảm của ông trong mắt những người ủng hộ. Tuy nhiên, với những thách thức pháp lý, kinh tế và chính trị phía trước, “cuộc cách mạng lẽ thường” mà nhà lãnh đạo 78 tuổi hứa hẹn sẽ duy trì đà tiến tới hay vấp phải những rào cản khó vượt qua vẫn là điều khó trả lời.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Lãnh đạo các chính đảng, các nước gửi thư, điện chúc mừng nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 

Lãnh đạo các chính đảng, các nước gửi thư, điện chúc mừng nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 

30 Apr, 10:23 PM

Kinhtedothi - Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), cùng với các đoàn đại biểu cấp cao các đảng, các nước sang dự Lễ Kỷ niệm, nhiều lãnh đạo các chính đảng/các nước đã gửi thư, điện chúc mừng tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và các cấp lãnh đạo của Việt Nam.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ