Căng thẳng đối đầu giữa ông Trump và Fed
Kinhtedothi - Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, những cuộc đối đầu giữa Tổng thống Donald Trump và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Jerome Powell tiếp tục gây chú ý, đưa nền kinh tế Mỹ vào viễn cảnh bất an.
Từ nhiệm kỳ đầu tiên đến "kỷ nguyên 2.0”, áp lực của Tổng thống Donald Trump buộc Fed phải hạ lãi suất đã đẩy mối quan hệ giữa người đứng đầu hai cơ quan quyền lực hàng đầu xứ cờ hoa vào một cuộc chiến chính sách chưa từng có tiền lệ, đe dọa sự ổn định của thị trường tài chính của nước Mỹ.
Những căng thẳng kéo dài, từng được thể hiện qua các phát ngôn công khai và chỉ trích gay gắt giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Powell, không chỉ phản ánh mâu thuẫn cá nhân mà còn đặt ra câu hỏi về tính độc lập của cơ quan tài chính quyền lực nhất thế giới.
Từ đấu khẩu đến đe dọa
Mối bất hòa giữa ông chủ Nhà Trắng và người đứng đầu Fed không phải là câu chuyện mới. Ngay từ năm 2019, khi đang ở giữa nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Trump đã công khai chỉ trích Fed vì không hạ lãi suất để thúc đẩy thị trường chứng khoán – một thước đo quan trọng mà ông xem là biểu tượng cho sự thành công của mình.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội Twitter (nay là X) vào tháng 4/2019, ông Trump ám chỉ rằng cổ phiếu có thể “tăng như tàu vũ trụ” nếu Fed nới lỏng chính sách tiền tệ. Không dừng lại ở đó, đến tháng 6 cùng năm, trong một cuộc phỏng vấn với kênh Fox Business, tổng thống Mỹ tuyên bố chính ông đã “tạo nên” Chủ tịch Powell bằng cách đề cử ông vào ghế chủ tịch Fed năm 2017, đồng thời chê bai ông Powell “không làm tốt công việc” khi từ chối hạ lãi suất theo ý muốn của Nhà Trắng.

Căng thẳng leo thang vào năm 2020, khi đại dịch Covid-19 tấn công nước Mỹ. Trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump thẳng thừng tuyên bố ông có quyền cách chức Chủ tịch Powell và thậm chí có thể giáng ông xuống một vị trí thấp hơn. Đây không phải lần đầu ông Trump cân nhắc hành động này. Từ cuối năm 2018, nhà lãnh đạo nước Mỹ đã thảo luận với nhóm cố vấn về khả năng sa thải ông Powell và yêu cầu các luật sư Nhà Trắng xem xét các lựa chọn pháp lý.
Dù ý định trên không thành hiện thực, những lời đe dọa này đã làm dấy lên lo ngại về sự xâm phạm vào tính độc lập của Fed – một nguyên tắc cốt lõi giúp Ngân hàng Trung ương Mỹ duy trì uy tín và hiệu quả trong việc điều hành chính sách tiền tệ.
Bước sang nhiệm kỳ 2 sau chiến thắng ở cuộc bầu cử cuối năm 2024, áp lực từ Tổng thống Trump không hề suy giảm. Tháng 10/2024, tại Câu lạc bộ Kinh tế Chicago, ông Trump chế giễu vai trò của ông Powell, khi ví việc ra quyết định lãi suất của Fed như “tung đồng xu” và gọi Chủ tịch Fed là “vị thần” chỉ vì ông ngồi ở vị trí quyền lực.
Đỉnh điểm là vào tháng 4/2025, khi Tổng thống Trump đăng trên mạng xã hội Truth Social rằng “việc sa thải Powell không thể đến đủ nhanh”. Lời đe dọa này, dù không rõ liệu có nhằm vào việc chờ chủ tịch đương nhiệm của Fed kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 5/2026 hay một hành động cách chức trước thời hạn, đã làm rung chuyển thị trường tài chính. Phản ứng ngay lập tức là sự lao dốc của thị trường chứng khoán trong sáng ngày ông Trump đăng bài, trước khi phục hồi phần nào.
Tính độc lập "mong manh"
“Cuộc chiến” giữa Tổng thống Donald Trump và Fed không chỉ là câu chuyện về lãi suất mà còn là “cuộc chiến” bảo vệ tính độc lập của một cơ quan được thiết kế để hoạt động ngoài tầm ảnh hưởng chính trị. Được thành lập cách đây hơn một thế kỷ, Fed có nhiệm vụ duy trì lạm phát ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thường thông qua việc điều chỉnh lãi suất.
Sự độc lập của Fed được xem là yếu tố then chốt giúp đồng USD duy trì vị thế đồng tiền dự trữ toàn cầu và giữ lãi suất dài hạn ở mức thấp. Tuy nhiên, những lời chỉ trích không khoan nhượng từ Tổng thống Trump đã đặt nguyên tắc này vào thử thách.
Jerome Powell, trong nhiều dịp, đã khẳng định ông sẽ không từ chức kể cả khi được tổng thống Mỹ yêu cầu, đồng thời nhấn mạnh rằng luật pháp không cho phép tổng thống sa thải chủ tịch Fed mà không có lý do chính đáng. Phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế Chicago vào tháng 4/2025, ông Powell tái khẳng định sự tách biệt của Fed khỏi chính trị, gọi đây là “vấn đề pháp lý”.
Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng áp lực liên tục từ Tổng thống Trump có thể làm xói mòn niềm tin của thị trường vào khả năng Fed duy trì chính sách độc lập. Peter Conti-Brown, giáo sư tại Trường Kinh doanh Wharton thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ), nhận định những hành động của ông Trump đang gây “thiệt hại khó khắc phục” cho uy tín của Fed, dù ông không tin rằng Fed sẽ “đầu hàng” trước áp lực chính trị.
Thêm vào đó, chính quyền Tổng thống Trump đang tìm cách thách thức một phán quyết của Tòa án Tối cao năm 1935, vốn bảo vệ các cơ quan độc lập như Fed khỏi bị tổng thống sa thải tùy tiện. Nếu thành công, vụ kiện này có thể mở đường cho ông Trump gia tăng ảnh hưởng lên Fed, từ việc tham vấn các quyết định lãi suất đến thay đổi nhân sự cấp cao.
Một động thái như vậy, theo các nhà kinh tế như Mark Zandi từ Moody’s Analytics, sẽ là “ý tưởng thực sự tồi tệ”, bởi lịch sử đã chứng minh rằng các quốc gia có ngân hàng trung ương thiếu độc lập thường phải đối mặt với đồng tiền yếu và lạm phát cao.
Fed đang "tiến thoái lưỡng nan"?
Cuộc đối đầu giữa Tổng thống Trump và Fed diễn ra trong bối cảnh kinh tế Mỹ đối mặt với những thách thức lớn, phần lớn bắt nguồn từ chính sách thuế quan của ông Trump. Với kế hoạch áp thuế “cơ bản” 10% lên hàng nhập khẩu, giá tiêu dùng được dự báo sẽ tăng, đẩy lạm phát vượt xa mục tiêu 2% của Fed.
Điều này khiến Fed rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: hạ lãi suất để kích thích kinh tế có thể làm lạm phát thêm trầm trọng, nhưng giữ lãi suất cao lại có nguy cơ làm chậm tăng trưởng. Chủ tịch Powell đã cảnh báo Fed sẽ ưu tiên mục tiêu gây ra “tình thế tiến thoái lưỡng nan lớn nhất”, nghĩa là chỉ hạ lãi suất nếu kinh tế suy thoái rõ rệt.
Thị trường tài chính, vốn nhạy cảm với mọi động thái của Tổng thống Trump, đã phản ứng mạnh mẽ. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt khi nhà đầu tư lo ngại về lạm phát dài hạn, trong khi đồng USD suy yếu. Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng tại tập đoàn kiểm toán KPMG, nhấn mạnh: “Bạn không thể kiểm soát thị trường trái phiếu”.
Chính áp lực từ thị trường mới buộc Tổng thống Trump tạm dừng kế hoạch tăng thuế với hàng chục quốc gia, một động thái giúp xoa dịu tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên, Francesco Bianchi, giáo sư tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), cảnh báo nếu thị trường cảm nhận Fed mất cam kết với lạm phát ổn định, kỳ vọng lạm phát sẽ tăng, đẩy lãi suất dài hạn lên cao hơn và gây áp lực ngược lại cho Chính phủ Mỹ.
Cuộc chiến giữa Tổng thống Donald Trump và Fed không chỉ là câu chuyện về chính sách kinh tế mà còn là bài kiểm tra cho nền tảng thể chế của Mỹ. Lịch sử cho thấy các tổng thống từng tìm cách gây ảnh hưởng lên Fed, nhưng không ai công khai và dai dẳng như Tổng thống Trump. Từ những lời chỉ trích trên mạng xã hội đến đe dọa pháp lý, nhà lãnh đạo 78 tuổi đang thách thức giới hạn quyền lực và uy tín giữa tổng thống và "thủ quỹ" của nước Mỹ.

Fed “ra tay” cứu kinh tế, chuyên gia cảnh báo chớ “đổ thêm dầu vào lửa”
Kinhtedothi - Thị trường đang kỳ vọng về một đợt hạ lãi suất khẩn cấp từ Fed, song các chuyên gia cho rằng quyết định này có thể khiến thị trường thêm hoảng loạn thay vì trấn an tâm lý giới đầu tư.

Chứng khoán Mỹ rung lắc sau cảnh báo của Fed, Dow Jones “bay” gần 700 điểm
Kinhtedothi - Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt lao dốc trong phiên ngày 16/4 khi nhà đầu tư bị cuốn vào vòng xoáy lo ngại về lạm phát, chính sách tiền tệ và chiến tranh thương mại leo thang.

Chứng khoán Mỹ hoang mang khi Chủ tịch Fed bị chỉ trích, Dow Jones giảm hơn 500 điểm
Kinhtedothi - Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ biến động trái chiều trong phiên ngày 17/4 sau khi Tổng thống Donald Trump lên tiếng kêu gọi "sa thải" Chủ tịch Fed Jerome Powell vì không cắt giảm lãi suất đủ nhanh.