Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Fed “ra tay” cứu kinh tế, chuyên gia cảnh báo chớ “đổ thêm dầu vào lửa”

Kinhtedothi - Thị trường đang kỳ vọng về một đợt hạ lãi suất khẩn cấp từ Fed, song các chuyên gia cho rằng quyết định này có thể khiến thị trường thêm hoảng loạn thay vì trấn an tâm lý giới đầu tư.

Fed sẽ hạ lãi suất khẩn cấp vào tuần tới?

Các nhà đầu tư đã điều chỉnh dự đoán về số lần giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong năm nay khi chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump làm gia tăng lo ngại về suy thoái toàn cầu. Thị trường cũng ngày càng hy vọng Fed sẽ hạ lãi suất khẩn cấp để “cứu” nền kinh tế Mỹ.

Theo dữ liệu từ các hợp đồng hoán đổi lãi suất qua đêm, các nhà giao dịch hiện dự đoán Fed sẽ giảm lãi suất 125 điểm cơ bản trong năm nay, tương đương với 5 đợt hạ và mỗi đợt 25 điểm cơ bản. Tuần trước, thị trường chỉ kỳ vọng 3 lần hạ lãi suất.

Thị trường kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất khẩn cấp vào tuần tới. Ảnh: news.sky.com

Dữ liệu cũng cho thấy xác suất 40% Fed sẽ hạ lãi suất ở mức 25 điểm cơ bản vào tuần tới, tức trước thời điểm các nhà hoạch định chính sách tổ chức cuộc họp tiếp theo vào ngày 7/5.

Sự thay đổi trong dự đoán của các nhà đầu tư phản ánh nỗi sợ hãi đang lan rộng trên thị trường tài chính toàn cầu trong bối cảnh Tổng thống Trump tỏ ra không muốn thay đổi chính sách thuế quan đối ứng.

Tuy nhiên, giới chuyên gia tài chính cảnh báo rằng việc Fed hành động vội vàng có thể phản tác dụng. Chuyên gia phân tích trưởng Greg McBride của Bankrate nhận định: “Trừ khi hoạt động của các thị trường tài chính, chẳng hạn như dòng chảy tín dụng, bắt đầu bị tê liệt, thì Fed cũng không có nhiều việc để làm vào thời điểm này”.

Theo vị chuyên gia này, một đợt cắt giảm lãi suất khẩn cấp sẽ không mang lại nhiều hiệu quả, thậm chí quyết định này của Fed nếu được thực hiện có thể làm gia tăng sự hoảng loạn trên thị trường. “Ngay cả khi tạo ra chút hy vọng ngắn hạn, tác động tích cực từ đợt hạ lãi suất khẩn cấp sẽ nhanh chóng tan biến trong bối cảnh bất ổn hiện nay”.

Tuần trước, Tổng thống Trump đã công bố một loạt các khoản thuế nhập khẩu cao hơn nhiều so với dự kiến đối với nhiều quốc gia trên thế giới, khiến cổ phiếu toàn cầu lao dốc vì lo ngại suy thoái và làm tăng kỳ vọng rằng Fed sẽ hạ lãi suất để giảm bớt tác động cho kinh tế Mỹ.

Chuyên gia Greg McBride cũng thừa nhận rằng đợt lao dốc mạnh của thị trường chứng khoán kể từ cuối tuần trước là “bất thường và đặc biệt đáng lo ngại”. Tuy nhiên, ông cảnh báo nhà đầu tư nên tránh bán tháo theo cảm xúc: “Đây không phải lúc để phản ứng bộc phát. Những quyết định vội vàng thường gây thiệt hại lớn hơn về lâu dài” – chuyên gia Greg McBride lưu ý thêm.

Fed nên tập trung vào lạm phát

Trong các phát biểu mới đây, nhiều quan chức Fed tiếp tục bày tỏ lo ngại, thuế quan của ông Trump có thể đẩy lạm phát tăng. Do đó, các quan chức Fed khuyến nghị Ngân hàng Trung ương Mỹ nên thận trọng, thậm chí một quan chức kêu gọi Fed nên tập trung vào lạm phát.

Phát biểu tại Đại học Harvard hôm 7/4, Thống đốc Fed Adriana Kugler cho biết, một số mức tăng gần đây trong lạm phát hàng hóa và dịch vụ có thể được "dự đoán" là tác động từ thuế quan của chính quyền ông Trump, đồng thời hối thúc Fed nên tập trung vào việc kiểm soát lạm phát.

“Chúng ta nên ưu tiên đảm bảo rằng lạm phát không tăng” - bà Kugler phát biểu và lưu ý rằng kỳ vọng lạm phát ngắn hạn đã tăng nhưng về lâu dài, chúng vẫn được kiểm soát tốt.

"Chúng tôi muốn tất cả các đồng nghiệp tại Fed tiếp tục cam kết với mục tiêu 2% của mình và muốn giữ kỳ vọng lạm phát được neo giữ tốt, đây nên là ưu tiên hàng đầu hiện nay”.

Fed đã giữ nguyên lãi suất chính sách trong phạm vi 4,25%-4,50% kể từ tháng 12/2024 sau khi thực hiện đợt hạ lãi suất cuối cùng trong chuỗi điều chỉnh nhằm đảm bảo rằng chính sách tiền tệ không quá thắt chặt khi lạm phát đang trên đà hạ nhiệt.

Tuy nhiên kể từ đầu năm, tiến độ hướng tới mục tiêu lạm phát 2% của Fed đã chững lại, thậm chí các thước đo lạm phát cơ bản đã tăng lên, được thúc đẩy bởi giá hàng hóa cốt lõi và lạm phát dịch vụ thị trường.

Theo Thống đốc Kugler, hoạt động kinh tế trong quý 1/2025 có thể mạnh hơn dự kiến, vì các hộ gia đình đổ xô mua những thứ như ô tô trước khi có mức thuế quan được dự oán rộng rãi.

Tương tự, Chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee đầu tuần này cũng nói rằng các doanh nghiệp đang lo lắng về thuế quan của Tổng thống Trump, nhưng Fed sẽ cần xem xét “dữ liệu cứng” trong phản ứng chính sách của mình.

“Điều đáng lo ngại là nếu những mức thuế đối ứng cao của Mỹ không được thay đổi, và nếu có sự trả đũa từ các nước, nhiều khả năng chúng ta sẽ chứng kiến tình trạng lạm phát tăng vượt tầm kiểm soát như đã xảy ra vào năm 2021 và 2022” – ông Goolsbee cho biết.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận sự không chắc chắn xung quanh kết quả và khả năng các cuộc đàm phán có thể dẫn đến các thỏa thuận thương mại mới và tránh được mức thuế quan hơn 100%, ám chỉ đến lời cam kết của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent về "thời kỳ hoàng kim của thương mại".

Quan chức Fed nhấn mạnh, sự lo lắng hiện tại có thể thay đổi chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp, điều này có thể đòi hỏi Fed phải phản ứng. Tuy nhiên, bản chất chính xác của phản ứng đó sẽ phụ thuộc vào cách giá cả và tăng trưởng kinh tế biến động và thời gian kéo dài của các xu hướng đó.

Hồi hộp chờ tin Fed, chứng khoán Mỹ "đỏ lửa" 

Hồi hộp chờ tin Fed, chứng khoán Mỹ "đỏ lửa" 

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ