Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Chứng khoán Mỹ hoang mang khi Chủ tịch Fed bị chỉ trích, Dow Jones giảm hơn 500 điểm

Kinhtedothi - Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ biến động trái chiều trong phiên ngày 17/4 sau khi Tổng thống Donald Trump lên tiếng kêu gọi "sa thải" Chủ tịch Fed Jerome Powell vì không cắt giảm lãi suất đủ nhanh.

Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục rung lắc trong ngày thứ Năm khi nhà đầu tư đón nhận các tín hiệu trái chiều từ kết quả kinh doanh của các công ty và động thái chính sách thương mại từ chính quyền Washington. Các cổ phiếu y tế biến động mạnh, trong khi nỗi lo lạm phát và lãi suất cao tiếp tục đè nặng tâm lý giới đầu tư.

Chốt phiên giao dịch ngày 17/4, chỉ số S&P 500 tăng nhẹ 0,13% lên 5.282,70 điểm. Trong khi đó, Nasdaq Composite giảm 0,13%, xuống còn 16.286,45 điểm. Dow Jones cũng mất 527,16 điểm, tương đương giảm 1,33%, chốt ở mức 39.142,23 điểm.

Cổ phiếu UnitedHealth lao dốc hơn 20% trong phiên ngày 17/4. Ảnh:jclis.com

Việc chỉ số Dow Jones giảm sâu trong phiên là do cú lao dốc tới 22% của cổ phiếu UnitedHealth sau khi công ty bảo hiểm này công bố kết quả kinh doanh quý 1 với lợi nhuận thấp hơn dự báo của giới phân tích. Tính đến phiên ngày thứ Năm, cả Dow Jones và Nasdaq cùng ghi nhận 3 phiên giảm liên tiếp.

Phiên giao dịch ngày 17/4 trên Phố Wall chứng kiến sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm cổ phiếu, khi thị trường phản ứng trước thông tin kinh tế và chính trị mới nhất.

Trong đó, Eli Lilly là điểm sáng nhất trên sàn Phố Wall khi cổ phiếu của hãng dược phẩm này tăng vọt 14%, sau khi công bố kết quả thử nghiệm khả quan của một loại thuốc viên giảm cân, có hiệu quả tương đương với Ozempic – sản phẩm đang “làm mưa làm gió” trong lĩnh vực điều trị béo phì và tiểu đường.

Cổ phiếu Apple phục hồi 1,4% sau chuỗi phiên điều chỉnh sâu do lo ngại về nhu cầu tiêu dùng suy yếu.

Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu bảo hiểm y tế khác đồng loạt đi xuống sau đà giảm mạnh của UnitedHealth, với CVS Health sụt gần 2%, Humana mất 7,4%.

Cổ phiếu chip Nvidia tiếp tục đương đầu với áp lực giảm lớn khi sụt 3% sau khi giảm gần 7% trong phiên trước đó.

Thị trường bước vào phiên cuối tuần với tâm lý giằng co, đặc biệt khi cựu Tổng thống Donald Trump tuyên bố đạt được “tiến triển lớn” trong đàm phán thương mại với Nhật Bản và bày tỏ kỳ vọng đạt được thỏa thuận với Trung Quốc - dù chưa đưa ra bất kỳ chi tiết cụ thể nào. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Tổng thống Trump gây chấn động thị trường tài chính với kế hoạch áp thuế “có đi có lại” hôm 2/4 – động thái khiến các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ mất hơn 7%.

Chứng khoán Mỹ đã biến động mạnh trong những thời gian đây do các quyết định thuế quan thất thường của ông Trump và cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Hiện tại, nhà đầu tư đang tập trung cao độ vào các cuộc đàm phán của Mỹ với các đối tác thương mại trong vài tuần tới để làm rõ quy mô và phạm vi của các biện pháp thuế quan đối với từng nước và từng lĩnh vực.

Ông Rob Haworth, chiến lược gia tại U.S. Bank Wealth Management, nhận định: “Giới đầu tư đang giữ tâm lý thận trọng, chờ đợi những diễn biến của các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và các đối tác để xác định hướng đi tiếp theo”.

Cũng trong ngày 17/4, Tổng thống Trump đã lên tiếng thúc giục Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell sớm cắt giảm lãi suất. Trước đó, ông Powell đã cảnh báo rằng chính sách thương mại của ông Trump có nguy cơ làm gia tăng lạm phát đồng thời suy yếu tăng trưởng kinh tế.

“Người ta vốn biết rằng ông Trump không hài lòng với Chủ tịch Fed Powell. Câu hỏi là liệu ông ấy có hành động gì không?” - chiến lược gia đầu tư vĩ mô Tom Bruce tại Tanglewood Total Wealth Management nhắc đến việc ông Trump nói rằng thời gian mãn nhiệm của ông Powell cần phải tới sớm hơn.

Theo công cụ FedWatch của CME, các nhà giao dịch đã hạ khả năng Fed giảm lãi suất vào tháng 5 xuống còn khoảng 6%, trong khi một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy giới kinh tế nhận định khả năng Mỹ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới là cao hơn.

Theo dữ liệu mới công bố, số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới trong tuần trước đã giảm, cho thấy thị trường lao động vẫn ổn định trong tháng 4. Tuy nhiên, tình trạng bất định về chính sách thuế quan khiến nhiều doanh nghiệp trì hoãn kế hoạch tuyển dụng mới.

Kết thúc tuần giao dịch ngắn do nghỉ lễ Good Friday, cả ba chỉ số chính trên sàn Phố Wall đều ghi nhận tuần giảm điểm thứ ba trong bốn tuần gần nhất. S&P 500 mất 1,5%, Nasdaq giảm 2,6%, còn Dow Jones lao dốc 2,7%.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Vì sao đồng ruble sinh lời mạnh nhất năm 2025?

Vì sao đồng ruble sinh lời mạnh nhất năm 2025?

18 Apr, 04:46 PM

Kinhtedothi - Các nhà phân tích cho rằng yếu tố địa chính trị và các quyết định kịp thời về chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nga đã giúp đồng ruble Nga trở thành đồng tiền có hiệu suất tốt nhất toàn cầu trong năm 2025, vượt qua cả các tài sản trú ẩn truyền thống như vàng và đồng USD.

Đâu là “chất kích thích” cho đà tăng kỷ lục của giá vàng?

Đâu là “chất kích thích” cho đà tăng kỷ lục của giá vàng?

17 Apr, 09:13 PM

Kinhtedothi - Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng đã leo dốc hơn 25%, ghi nhận đợt tăng mạnh nhất trong vòng một thập kỷ qua. Nguyên nhân là do căng thẳng thương mại, kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất và lực mua mạnh của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ