Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phấp phỏng chờ công bố quy chế tuyển sinh chính thức

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tháng 12 đã đi qua quá nửa và hàng trăm nghìn học sinh lớp 9, lớp 12 vẫn từng ngày mong Bộ GD&ĐT chính thức công bố quy chế tuyển sinh năm 2025; bởi chỉ khi biết rõ phương án, học sinh mới có thể yên tâm ôn tập.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.

Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 9 và lớp 12 thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Thời điểm hiện tại, hai đối tượng học sinh này đang chịu áp lực rất lớn từ những thay đổi của chương trình cũng như điều chỉnh trong quy chế tuyển sinh. Những lời đồn đoán về môn thi thứ 3 - kỳ thi lớp 10 cũng như nhiều luồng dư luận trái chiều về các phương thức, cách thức tuyển sinh đại học khiến học sinh hết sức hoang mang. Điều không chỉ học sinh mà cả phụ huynh, thầy cô và các nhà trường đều mong mỏi, đó là Bộ GD&ĐT sớm công bố quy chế tuyển sinh chính thức.

Kỳ thi lớp 10: sốt ruột với môn thi thứ 3

Trước khi chính thức công bố rộng rãi Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT để các đơn vị, cá nhân nghiên cứu, đóng góp ý kiến, dự thảo này đã được gửi Sở GD&ĐT 63 tỉnh thành và các trường THPT trên cả nước. Đề xuất nhận được nhiều quan tâm nhất là với phương thức thi tuyển vào lớp 10, số lượng môn thi là 3 môn, gồm: toán, ngữ văn và một môn do sở GD&ĐT tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại thuộc chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Quy trình tổ chức bốc thăm môn thi thứ 3 có lãnh đạo sở GD&ĐT, đại diện lãnh đạo các phòng trực thuộc sở, thanh tra sở và các thành phần có liên quan; môn thi được bốc thăm phải công bố trước ngày 31/3 hàng năm.

Thí sinh dự thi lớp 10 năm học 2024 - 2025.
Thí sinh dự thi lớp 10 năm học 2024 - 2025.

Dư luận đồng tình với phương án 3 môn thi lớp 10 nhưng phản ứng mạnh mẽ với hình thức bốc thăm môn thi. Tại dự thảo chính thức được công bố ngày 18/10, đề xuất bốc thăm môn thi thứ 3 trong thi tuyển sinh lớp 10 không xuất hiện. Theo dự thảo, có 3 phương thức tuyển sinh lớp 10 THPT gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Việc lựa chọn phương thức tuyển sinh thuộc thẩm quyền của địa phương. Việc tổ chức thi tuyển sẽ thực hiện 3 môn thi gồm toán, ngữ văn và một môn thi thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp do sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học có trường THPT lựa chọn và được công bố trước ngày 31/3 hàng năm.

Môn thi thứ 3 được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Việc lựa chọn môn thi thứ 3 có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản. Bài thi tổ hợp các môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS.

 

Bộ GD&ĐT cho hay, Bộ đã lấy ý kiến của 8.898 cơ sở giáo dục trung học tại 63 tỉnh, TP về các nội dung của dự thảo quy chế tuyển sinh THCS - THPT thì có có 8.267 ý kiến đồng ý với các nội dung dự thảo (92.9%); 631 ý kiến có đề nghị bổ sung.

Môn thi thứ 3 trong kỳ thi lớp 10 nên cố định hay thay đổi hàng năm tiếp tục là chủ đề thu hút sự quan tâm của dư luận và phụ huynh học sinh. Người cho rằng, không nên cố định môn thi thứ 3 để tránh hiện tượng học lệch, học tủ, không đánh giá toàn diện được học sinh trong giai đoạn giáo dục cơ bản. Ngược lại, nhiều ý kiến thẳng thắn nêu quan điểm: Nên cố định môn thi thứ 3 là ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh); bởi, tiếng Anh là một trong 8 môn bắt buộc cho tất cả học sinh; giúp hiện thực hóa yêu cầu của Bộ Chính trị là từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Về phương án môn thi thứ 3 được giữ “bí mật” đến sát ngày thi (trước 31/3) như nêu trong dự thảo, dư luận, học sinh, phụ huynh mong rằng Bộ GD&ĐT điều chỉnh thời gian công bố môn thi sớm hơn. Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chỉ đạo Bộ GD&ĐT rà soát kỹ, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý của Nhân dân; sớm công bố phương án thi lớp 10 để nhà trường và học sinh chủ động có kế hoạch dạy học, ôn tập phù hợp, hiệu quả.

Tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng cũng như góp ý của Nhân dân, Bộ GD&ĐT dự kiến ban hành quy chế tuyển sinh THCS – THPT trước 31/12/2024.

Tuyển sinh đại học: ý kiến trái chiều làm thí sinh bị “rối”

Về tuyển sinh đại học, cao đẳng, ngày 22/11/2024, Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến. Thời hạn nhận ý kiến là 2 tháng kể từ ngày công bố dự thảo.

Học sinh mong sớm công bố quy chế tuyển sinh chính thức.
Học sinh mong sớm công bố quy chế tuyển sinh chính thức.

Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng của Bộ GD&ĐT có nhiều điểm mới, như: điều chỉnh quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với nhóm ngành sư phạm, sức khoẻ; chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo; điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo; xét tuyển bằng học bạ phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh...

Rất nhiều ý kiến góp ý trái chiều về điều chỉnh trong dự thảo đã được đưa ra. Tại buổi tọa đàm diễn ra ngày 6/12 do Bộ GD&ĐT tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, các chuyên gia, lãnh đạo một số Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học và Ban soạn thảo, Bộ tiếp tục nhận được nhiều ý kiến góp ý thẳng thắn của các đại biểu và cho biết, sẽ tiếp thu tối đa mọi góp ý; đồng thời mong tiếp tục nhận nhiều hơn các ý kiến; từ đó thống nhất hoàn thiện quy chế trước khi ban hành chính thức.

Nhiều phụ huynh, thí sinh thừa nhận, rất lo lắng khi theo dõi các ý kiến từ chuyên gia cũng như từ cơ sở. Em Nguyễn Thị Ánh Ngọc, học sinh lớp 12 tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội bày tỏ: “Em bị rối trước nhiều thông tin. Đơn cử với xét tuyển sớm, người cho rằng nên bỏ, người nói rằng cần giữ; Bộ thì đề xuất giữ tỷ lệ tối đa 20% và khẳng định sẽ xem xét, tiếp thu mọi ý kiến. Vậy rốt cuộc, năm 2025 các trường đại học còn xét tuyển sớm hay không; chúng em muốn biết để chủ động phương án và có sự chuẩn bị".

Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh (Trường Đại học Thương mại) Nguyễn Quang Trung cho rằng, trước nhiều quy định mới được đề cập trong dự thảo, điều quan trọng với các trường là Bộ cần sớm có quyết định ban hành Quy chế chính thức; đồng thời các giải pháp về mặt kỹ thuật cần được thực hiện, triển khai ngay. Nếu thời gian lấy ý kiến quá dài cũng như ban hành Quy chế quá muộn sẽ ảnh hưởng đến thí sinh và công tác xét tuyển của năm 2025.

Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng sửa đổi sẽ đặt lợi ích của thí sinh đặt lên hàng đầu, bảo đảm sự công bằng, minh bạch; nâng cao chất lượng đào tạo ở cả giáo dục phổ thông lẫn đầu vào đại học và hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Theo thông tin công bố, thời gian nhận góp ý cho dự thảo tuyển sinh đại học, cao đẳng từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân là trước 22/1/2025 - nghĩa là còn hơn 1 tháng nữa.