Pháp tăng ảnh hưởng ở Biển Đông: Mưu tính lớn

Bắc Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Pháp khẳng định chủ ý tăng cường hiện diện quân sự trực tiếp ở khu vực Biển Đông bằng việc lần thứ hai trong thời gian ngắn đưa tàu chiến đến khu vực này. Một số nước khác cũng có chủ ý và hành động tương tự như Pháp trong thời gian vừa qua, nhưng cùng số lần đưa tàu chiến đến khu vực biển này không bằng Pháp trong khoảng thời gian ngắn như vậy.

Tàu chiến Tonnerre của Hải quân Pháp. (Nguồn: Navy Recognition)
Giống như tất cả các nước ở bên ngoài đưa tàu chiến đến khu vực Biển Đông, Pháp theo đuổi mục tiêu ngăn ngừa Trung Quốc cản trở tự do hàng hải ở Biển Đông, đơn phương thay đổi thực trạng trên Biển Đông và tăng cường công khai cũng như bí mật quân sự hóa khu vực Biển Đông. Giống như các đối tác kia, Pháp nhìn nhận chuyện chính trị an ninh và pháp lý quốc tế hiện tại ở khu vực Biển Đông là cuộc chơi về vị thế, vai trò và ảnh hưởng chính trị thế giới chứ không chỉ đơn thuần liên quan đến an ninh, kinh tế thương mại hay pháp lý quốc tế. Vì thế, tất cả các đối tác này còn giống nhau ở lợi ích từ việc không để cho Trung Quốc tùy ý muốn làm gì thì làm ở khu vực.
Nhưng Pháp đồng thời còn có mưu tính cao xa hơn nữa. Pháp không những chỉ tự khẳng định là một trong những bên tham gia cuộc chơi mà còn chứng tỏ và muốn được công nhận là một trong những sự lựa chọn giải pháp cho các vấn đề thời sự hiện tại ở khu vực này, tức là cùng mâm đồng chiếu với Mỹ và Trung Quốc chứ không sắm vai phụ như Anh hay Đức, Nhật Bản hay Australia. Phía Pháp nhằm vào một khe hẹp trong cuộc đối địch giữa Mỹ và Trung Quốc trên thực địa ở nơi đây, nhưng lại gây khó xử cho rất nhiều bên liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp khác là làm sao không bị vạ lây bởi xung khắc giữa Mỹ và Trung Quốc mà vẫn bảo toàn được lợi ích chiến lược cơ bản trước mắt cũng như lâu dài. Pháp tự mời chào làm sự lựa chọn thay thế về đối tác để các bên này hợp tác và liên kết, thậm chí cả liên thủ và tập hợp lực lượng. Nếu kiên định thực hiện mưu tính lớn này, triển vọng thành công không phải không có trên thực tế đối với Pháp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần