Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phạt cả nhà sản xuất lẫn người dùng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mũ bảo hiểm (MBH) “thời trang” dù chất lượng sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, nhưng vẫn được bay bán sử dụng khá phổ biến. Mặc dù lực lượng chức năng đã nhiều lần ra quân ngăn chặn tình trạng này, thế nhưng vẫn chỉ như "muối bỏ biển".

Tràn ngập MBH kém chất lượng

Tại nhiều tuyến phố của Hà Nội, lâu nay xuất hiện hàng loạt cửa hàng, hoặc điểm kinh doanh MBH “thời trang”. Các loại mũ này thường được thiết kế bóng bẩy, có đính logo của nhiều nhãn hiệu nổi tiếng như Gucci, Vespa, Liberty... Bề ngoài những loại mũ này được làm bằng lớp nhựa tái sinh mỏng, bên trong là một lớp vải  lót sơ sài, 100% sản phẩm đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, không dán tem hợp chuẩn. Thực tế sử dụng cho thấy, chỉ cần va đập nhẹ là mũ đã nứt vỡ, không có tác dụng bảo vệ đầu cho người đi môtô, xe máy…

Theo ước tính của Cục Quản lý Thị trường (QLTT) - Bộ Công Thương, 70% số MBH đang lưu hành trên thị trường Hà Nội là hàng kém chất lượng, không đúng quy chuẩn. Tuy nhiên, do mẫu mã đẹp, giá rẻ, chỉ 30.000 - 60.000 đồng/chiếc (trong khi đó, một chiếc mũ đúng quy chuẩn giá ít nhất từ 150.000 - 300.000 đồng/chiếc) nên các loại mũ “thời trang” được không ít người chọn mua để đối phó với lực lượng chức năng.

Ông Vương Chí Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho biết: Loại MBH kém chất lượng này đã khiến  nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh MBH theo quy chuẩn phải phá sản. Năm 2001, Hà Nội có 51 cơ sở sản xuất mặt hàng này nhưng đến nay chỉ còn 6 cơ sở hoạt động sản xuất dạng cầm chừng. Không chỉ có vậy, MBH rởm còn khiến Nhà nước thất thu một khoản thuế không nhỏ.

Phạt cả nhà sản xuất lẫn người dùng - Ảnh 1

Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ mũ bảo hiểm rởm trên phố Chùa Bộc. Ảnh: Hoài Nam

Khó dẹp bỏ nếu người tiêu dùng thiếu ý thức

Nhằm dẹp bỏ các loại MBH “thời trang” kém chất lượng, Cục QLTT và Chi cục QLTT Hà Nội vừa tổ chức kiểm tra các khu vực bán MBH tại 6 quận, huyện trên địa bàn, qua đó đã phát hiện nhiều sai phạm. Qua kiểm tra các cửa hàng kinh doanh mặt hàng này tại phố Chùa Bộc cho thấy, phần lớn các cửa hàng đều không có giấy phép kinh doanh, 100% MBH được bày bán không có hóa đơn chứng từ; trên 90% số mũ được bày bán không có nhãn mác hợp quy hợp chuẩn (nhãn mác hợp chuẩn CR).

Tại cửa hàng của bà Nguyễn Thị Thanh ở 14 phố Chùa Bộc (quận Đống Đa), lực lượng chức năng đã phát hiện trên 90% số mũ bán tại đây không có nhãn mác hợp chuẩn. Một số mũ có ghi "mũ bảo hộ" dành cho người đi xe đạp, chơi thể thao hoặc "nón thể thao Đại Phát hoặc Đại Lợi".

Kiểm tra tại cửa hàng 299 Xã Đàn, lực lượng QLTT phát hiện khá nhiều loại MBH có giá bán từ 150.000 - 300.000 đồng nhưng không hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Chủ cửa hàng lý giải, đây là loại mũ được một số người "xách tay" từ nước ngoài về nhưng không sử dụng đã bán lại cho cửa hàng, về chất lượng thì rất tốt nhưng vì là hàng "xách tay" nên… không có hóa đơn chứng từ. Tuy nhiên, khi được hỏi do nước nước nào sản xuất và đạt chuẩn ra sao, chủ cửa hàng hoàn toàn… không biết.

Số liệu của Chi cục QLTT Hà Nội cho thấy, ngay trong ngày đầu tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng đã tạm giữ trên 1.000 MBH không có nhãn mác hợp quy, hợp chuẩn và mũ có hình dáng tương tự MBH để làm rõ; Xử phạt 15 điểm kinh doanh MBH không rõ nguồn gốc.Ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục QLTT cho biết: Trong thời gian tới, Bộ KH&CN - Công Thương - Công an và Bộ GTVT sẽ chính thức ban hành Thông tư liên tịch quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng MBH cho người đi xe máy. Theo đó, những người tham gia giao thông đội MBH rởm sẽ bị xử phạt như hành vi "không đội MBH hoặc đội MBH không cài quai đúng quy cách". Theo Nghị định 71/2010 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, hành vi này sẽ bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng.

Ngoài ra, Bộ Công an sẽ chỉ đạo lực lượng CSGT, cảnh sát kinh tế phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đối với những đơn vị sản xuất, kinh doanh MBH không đạt chuẩn. Riêng trong tháng 3/2013, lực lượng liên ngành sẽ tiến hành thanh tra việc sản xuất, mua bán MBH trên địa bàn 63 tỉnh, thành.

Tuy nhiên, làm thế nào để người tiêu dùng nhận biết mũ đạt chuẩn hay không là điều cũng cần phải tính đến. Thực tế cho thấy, năm 2012 Công ty Amoro nhập khẩu 10.000 MBH của Trung Quốc, dán tem rồi bán ra thị trường, qua kiểm tra mới biết đó là mũ không đạt chất lượng. Ngay bản thân lực lượng chức năng còn khó phân biệt được thì người tiêu dùng sẽ khó chấp nhận khi bị xử phạt.