Phát động dễ, kết thúc khó

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách đây đúng 3 năm, đất nước Syria bị xô đẩy vào cuộc đấu tranh quyền lực và rồi từ đó sa lầy trong nội chiến dai dẳng đến nay. So với thời điểm đó, phe chống đối Chính phủ đã khác hẳn về tổ chức, trang bị vũ khí và tập hợp sự hậu thuẫn về chính trị cũng như tài chính ở bên ngoài.

Tuy nhiên, cả hai phía đều mới chỉ có bận thua có lần thắng trong cuộc đối địch này chứ chưa đánh bại được nhau. Cũng chính vì tương quan ấy mà sau 3 năm, cả phe Chính phủ lẫn phía chống Chính phủ đều vẫn chủ ý giải quyết vấn đề quyền lực hiện tại ở đất nước này bằng vũ lực quân sự.

Giao tranh vũ trang vẫn tiếp diễn, mười triệu người dân phải tị nạn và ly tán vì nội chiến, trong đó có tới hơn 3 triệu người đã phải rời bỏ Syria - LHQ coi đó là thảm hoạ di tản lớn nhất trong lịch sử khu vực Trung Đông, gần 150.000 người đã bị thiệt mạng trong 3 năm qua ở Syria, đất nước bị tàn phá và cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng - đó là tình cảnh hiện tại ở nước này. Ở bên ngoài hình thành bè phái ủng hộ các bên sống mái nhau trong Syria. Một bên là Mỹ, EU và một số vương triều tại vùng Vịnh, còn phía bên kia là Nga và một số nước khác ở trong cũng như ngoài khu vực. Sự hậu thuẫn này là một trong những lý do quyết định khiến các phe ở Syria không thoả hiệp với nhau để có được giải pháp chính trị. Xung khắc lợi ích của các đối tác bên ngoài cũng là nhân tố với tác động tương tự. Tiến triển đáng kể nhất trong quá trình tìm kiếm giải pháp chính trị cho vấn đề Syria là việc Mỹ và Nga dàn xếp xử lý vấn đề vũ khí hoá học ở Syria và định hình được khuôn khổ diễn đàn đối thoại trực tiếp cũng như gián tiếp giữa các phe phái sát phạt nhau ở Syria, cho dù đến nay chưa đạt được kết quả cụ thể nào. Sau ba năm, bài học đắt giá từ Syria đối với tất cả các bên liên quan là phát động xung đột dễ bao nhiêu thì kết thúc nó khó bấy nhiêu.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần