Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh:

Phát động thi đua 50 ngày đêm đưa tuyến metro số 1 vào vận hành

Việt Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng ngày 28/10, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh (MAUR) phát động thi đua cao điểm 50 ngày đêm hoàn thành các công việc để đưa tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vận hành chính thức trong năm 2024.

Phát biểu tại lễ phát động, ông Phan Công Bằng - Trưởng ban MAUR cho biết, dự án đã cơ bản hoàn thành việc thi công, lắp đặt thiết bị trên hiện trường, đào tạo lái tàu và nhân viên vận hành.

Theo chỉ đạo của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, tuyến metro số 1 phải hoàn thành các thủ tục để đưa vào vận hành chính thức trong năm 2024. Vì vậy, MAUR đã phát động đợt thi đua cao điểm "50 ngày đêm hoàn thành nhiệm vụ đưa tuyến đường sắt đô thị số 1 vận hành chính thức trong năm 2024".

Ông Phan Công Bằng, Trưởng ban MAUR phát biểu tại lễ phát động thi đua
Ông Phan Công Bằng, Trưởng ban MAUR phát biểu tại lễ phát động thi đua

Đến nay, tiến độ tuyến metro số 1 đạt 99% khối lượng dự án và sẽ hoàn thành đưa vào vận hành khai thác cuối năm 2024. Hiện công tác thi công hiện trường tuyến metro số 1 cơ bản đã dứt điểm, chỉ còn một vài hạng mục nhỏ đang được các nhà thầu thi công, dự kiến đến 31/10 hoàn thành lắp đặt thiết bị.

Bên cạnh đó, đơn vị đang triển khai song song các công việc như nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, đánh giá an toàn hệ thống, chạy thử, đăng kiểm, Hội đồng Nhà nước nghiệm thu...

"MAUR đang nỗ lực hoàn thành tất cả các công việc trước ngày 15/12, đảm bảo vận hành tuyến metro số 1 trong năm 2024. Khối lượng công việc hiện tại còn rất nhiều, chúng tôi cần có đợt thi đua để tất cả viên chức, người lao động nỗ lực, làm việc 200% năng suất để giải quyết khối lượng công việc còn lại" - ông Bằng chia sẻ.

Phát động thi đua cao điểm 50 ngày đêm hoàn thành các công việc để đưa tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vận hành chính thức trong năm 2024. Ảnh minh họa 
Phát động thi đua cao điểm 50 ngày đêm hoàn thành các công việc để đưa tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vận hành chính thức trong năm 2024. Ảnh minh họa 

Trước đó, từ ngày 14/10, tuyến metro số 1 đã được vận hành thử giống như vận hành thương mại, với thời gian giãn cách giữa các chuyến tàu là 4 phút 30 giây và chia thành 2 ca làm việc mỗi ngày.

Tại thời gian vận hành thử, các nhân viên tham gia thử nghiệm 47 kịch bản khác nhau, từ vận hành thường đến các tình huống khẩn cấp; trụ sở chính phối hợp giải quyết sự cố và chỉ đạo tại hiện trường.

Được biết, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên được xây dựng tại TP Hồ Chí Minh dài 19,7 km, gồm 2,6 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao.

Tổng mức đầu tư sau khi được điều chỉnh là 43.700 tỷ đồng với lộ trình đi qua các quận 1, Bình Thạnh, TP Thủ Đức và TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương).

Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cũng lập Đề án Phát triển hệ thống sắt đô thị TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2026-2030 là 21,7 tỷ USD (tương đương hơn 514.000 tỷ đồng).

Với số vốn trên, TP Hồ Chí Minh sẽ đầu tư phát triển 6 dự án metro gồm: Tuyến số 1 Bến Thành - An Hạ (kéo dài thêm gần 21km từ Bến Thành về An Hạ, huyện Bình Chánh), hơn 55,5 nghìn tỷ đồng; Tuyến số 2 đầu tư thêm hai đoạn dài 9,1km là Bến Thành - Thủ Thiêm và Tham Lương - bến xe An Sương, hơn 48,3 nghìn tỷ đồng; Tuyến số 3 Hiệp Phước - Tân Kiên, hơn 62,54 nghìn tỷ đồng; Tuyến số 4 Đông Thạnh - Bà Chiêm, hơn 93,65 nghìn tỷ đồng; Tuyến số 5 Cần Giuộc - Vành đai 2, hơn 94,2 nghìn tỷ đồng; Tuyến số 6 Âu Cơ - Phú Hữu, hơn 160 nghìn tỷ đồng.

Trong tổng số 21,7 tỷ USD, TP Hồ Chí Minh dự kiến vốn ngân sách địa phương là 12,9 tỷ USD. Còn lại 8,7 tỷ USD TP Hồ Chí Minh kiến nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ trong giai đoạn 2026 - 2030.

Đối với phần vốn Trung ương hỗ trợ, TP Hồ Chí Minh đề xuất Trung ương xem xét cho phép có cơ chế không tính vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của Thành phố vì số vốn thực hiện Đề án rất lớn, chiếm tỷ trọng rất cao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của Thành phố.

Để đánh giá sát và đúng thực tế về hiệu quả thực hiện Đề án, TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị cần có cơ chế đánh giá riêng về kết quả thực hiện Đề án Phát triển hệ thống sắt đô thị, không tính vào chỉ tiêu đánh giá chung về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm.