Theo thông tin dịch tễ, nữ bệnh nhân tên Trần Thị H (59 tuổi, trú tại xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Trước đó vào ngày 8/7, bà H có dấu hiệu khởi phát bệnh với triệu chứng sốt cao liên tục, rét run, nhức mỏi cơ thể, có tự mua thuốc tự điều trị nhưng không đỡ. Ngày 10/7, bệnh nhân nhức đầu nhiều hơn kèm nôn mửa, nên được đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế. Bệnh nhân đã được chẩn đoán viêm màng não. Kết quả xét nghiệm cấy dịch não tủy ngày 14/7 cho kết quả bệnh nhân dương tính với liên cầu lợn.
Theo điều tra dịch tễ, bệnh nhân H làm nghề bán vé số, thường đi bán tại TP Huế từ chiều đến tối mới về nhà. Trong thời gian đi bán việc ăn uống không rõ, nhưng khoảng 4 - 5 ngày trước khi khởi bệnh, người nhà cho biết bà H có ăn nem mua ở một hàng quán tại TP Huế. Bệnh nhân sống cùng con, gia đình không nuôi lợn, các nhà xung quanh trong khu vực cũng không nuôi. Về tiền sử ăn uống thỉnh thoảng có ăn thịt lợn nên nguồn lây không rõ.
Qua điều tra trong 2 tuần qua, các cơ quan chức năng ghi nhận trong khu vực không có tình trạng lợn mắc bệnh, xung quanh cũng không có người mắc bệnh tương tự. Trong khu vực cũng không có dịch lợn tai xanh. Những người tiếp xúc và những người xung quanh nhà bệnh nhân hiện tại sức khỏe ổn định, và được cơ quan y tế theo dõi sức khỏe hàng ngày.
Cơ quan y tế cho biết, các ca bệnh nhiễm liên cầu lợn trên người cho thấy khoảng 70% bệnh nhân mắc liên cầu lợn có ăn tiết canh lợn. Các ca mắc còn lại do ăn nem chạo sống, do tiếp xúc, giết mổ lợn bệnh. Một điều tra dịch tễ học của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trước đó cũng cho thấy, gần 70% bệnh nhân liên cầu lợn có giết mổ, ăn thịt lợn tái, tiết canh. Hiện chưa có bằng chứng bệnh liên cầu lợn có thể lây trực tiếp từ người sang người.
Bác sĩ khuyến cáo, người dân cần ăn chín uống sôi, ăn những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để đảm bảo an toàn. Đồng thời, khi phát hiện có dấu hiệu bất thường cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.