70 năm giải phóng Thủ đô

Phát hiện “lò” sản xuất tương ớt bẩn lớn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện toàn bộ số lượng tương ớt bẩn đã ôi mốc đóng trong nhiều bao tải lớn và nằm phơi mưa, nắng ngoài nền đất bẩn.

Toàn bộ số lượng hơn năm tấn tương ớt bẩn của cơ sở sản xuất, kinh doanh tương ớt do bà Đoàn Thị Hồng (trú tại số 8 đường Mộc Bài, phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã bị lực lượng trinh sát Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PC49 - Công an TP Đà Nẵng) đột kích và bắt quả tang sáng nay, 22/9.

Khi lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện toàn bộ số lượng tương ớt bẩn đã ôi mốc đóng trong nhiều bao tải lớn và nằm phơi mưa, nắng ngoài nền đất bẩn. Cơ sở này do vợ chồng bà Đoàn Thị Hồng và Võ Văn Hường làm chủ, được UBND quận Liên Chiểu cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh năm 2012.

 
Số tương ớt bẩn không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Số tương ớt bẩn không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo như số lượng nguyên liệu ớt không bảo đảm chất lượng này thì đây là cơ sở thật quy mô, nhưng trái lại, cơ sở của bà Hồng là một “lò” sản xuất tương ớt khá nhỏ với chừng hơn 2 m2, được dựng tạm bợ ngay bên cạnh nhà ở của bà Hồng. Toàn bộ dụng cụ sản xuất ớt và hai thau lớn đựng ớt đã thành phẩm chuẩn bị tung ra thị trường với số lượng gần 80 kg. Tiếp tục kiểm tra phía sau khu vực này với lô đất rộng gần 100 m2, lực lượng chức năng phát hiện, đây là nơi chủ cơ sở dùng để nguyên liệu chế biến. Hàng chục bao tải loại 50 kg đựng ớt ủ đầy, không che chắn, trong đó, có nhiều bao tương ớt đã úa màu, bốc mùi hôi thối, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Khai nhận với cơ quan chức năng, bà Hồng cho biết, số ớt này chừng năm tấn được thu gom từ Quảng Ngãi, sau khi thành phẩm, sẽ mang xuống chợ Cồn tiêu thụ. Ngoài ra, lực lượng trinh sát còn phát hiện 40 bao đường phèn, 20 can nước đường, bà Hồng khai đây là số lượng hàng bà sản xuất để đem bỏ bán ở các chợ. Đây là các mặt hàng mà Hồng không được cấp giấy sản xuất. Bà Hồng cũng không công bố được sản phẩm đạt tiêu chuẩn; không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; không tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và khám sức khỏe định kỳ. Nguồn gốc sản phẩm không được rõ ràng.

Sau khi kiểm tra, lực lượng chức năng tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu chủ cơ sở khắc phục sai phạm trong sản xuất, kinh doanh, đồng thời, tạm dừng hoạt động, cấm không được tiêu thụ số lượng hàng hoá không bảo đảm này cho đến khi cơ quan chức năng có quyết định cuối cùng.