Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát hiện sản phẩm "kẹo" tăng cường sinh lý cho nam giới chứa chất cấm

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đưa ra khuyến cáo sản phẩm Candy B+ Coffee Extra Power tăng cường sinh lý cho nam giới có chứa chất cấm.

Cảnh báo "kẹo" tăng cường sinh lý cho quý ông chứa chất cấm
Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế cho biết đã nhận được thông báo Cơ quan Khoa học Y tế Singapore phát hiện sản phẩm Candy B+ Coffee Extra Power chứa tân dược chuyên điều trị chức năng tình dục ở nam giới.
Hiện sản phẩm này không được cấp phép tại Việt Nam. Trước đó, Cục ATTP cũng thông tin về việc nhận được thông tin Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HSA) và Bộ Y tế Brunei thông báo về việc phát hiện các chất cấm có trong một số loại thực phẩm bán tại Singapore và Brunei...
Theo đó, cơ quan này nhận được Công văn số 720/QLD-ĐK ngày 26/6/2020 của Cục Quản lý Dược về việc Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HAS) qua Hệ thống Giám sát hậu mại ASEAN (PMAS) đã thông báo cảnh báo người dân về sản phẩm thực phẩm (không phải thực phẩm bảo vệ sức khỏe) chứa tân dược.
 Loại ''kẹo'' Candy B+ Coffee Extra Power tăng cường sinh lý cho nam giới chứa chất cấm.
Cụ thể, đây là sản phẩm Candy B+ Coffee Extra Power có thành phần ghi trên nhãn gồm: Creamer, Sugar, Instant Coffee Powder, Maca Powder, Catuaba Powder, Saw Palmetto, Tongkat Ali Extract, Superba Extract, Sky Fruit Extract; đóng dạng gói; Sản xuất bởi California Pure (Address: 1680 South Eliseo Drive, Suite 320 Greenbrae CA94904, USA) bị phát hiện chứa: tadalafil (129,07mg/gói).
Trên các mạng xã hội, website của Việt Nam xuất hiện các dòng quảng cáo giới thiệu loại “kẹo” đặc biệt dành cho nam giới này với lời quảng cáo gồm các thành phần thảo dược giúp tăng sức mạnh quý ông.
Một số sản phẩm chứa chất cấm
Trước đó, Cục ATTP nhận được thông tin HSA và Bộ Y tế Brunei thông báo về việc phát hiện các chất cấm có trong một số loại thực phẩm bán tại Singapore và Brunei. Cụ thể: Sản phẩm cà phê Al-Ambiak (Cafe Natural Herbs Coffee) chứa chất cấm desmethyl carbodenafil; sản phẩm Kopi Jantan Ali Macca chứa sildenafil; sản phẩm kẹo Berry Jaga chứa tadalafil; trà Freaky Fitz chứa sibutramine; sản phẩm Shen Qi Dan Bai Nian Cao Yao chứa chlorpheniramine, dexamethasone, diclofenac, frusemide; sản phẩm Ricalinu chứa dexamethasone, meloxicam, tramadol; sản phẩm Hickel Mass&Strength Sachet chứa tadalafil.
Sau khi có thông tin này, Cục ATTP ngay lập tức đã tiến hành rà soát nội bộ, kết quả cho thấy từ tháng 9/2014 đến nay, các sản phẩm trên chưa được cấp công bố tại Cục Nhập khẩu vào Việt Nam.
Trước thông tin trên, Cục ATTP khuyến cáo người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm có tên bảng dưới này và báo với cơ quan chức năng gần nhất nếu phát hiện tổ chức, cá nhân có bán các sản phẩm này.
Trong khi đó, tadalafil là một tân dược, là một loại thuốc được sử dụng để điều trị các vấn đề về chức năng tình dục ở nam giới, là thuốc điều trị theo đơn.
Cẩn trọng khi quyết định lựa chọn thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe
Theo các chuyên gia, thực trạng trộn tân dược vào các sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã được cảnh báo từ lâu. Một số sản phẩm gắn mác thảo dược nhưng khi kiểm tra lại phát hiện có chứa tân dược vốn là các thuốc điều trị các bệnh sinh lý nam giới cần có chỉ định, kê đơn.
Cục ATTP khuyến cáo người dân, để mua được các sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khoẻ đảm bảo an toàn, người tiêu dùng cần: Lựa chọn và mua sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã được cơ quan chức năng xác nhận cho phép lưu hành (sản phẩm đã được cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc sản phẩm đã được cấp công bố phù hợp quy định, an toàn thực phẩm); mua các sản phẩm rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, mua tại các cửa hàng có uy tín; Kiểm tra nhãn mác, hạn sử dụng của sản phẩm.
Người tiêu dùng tránh mua sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe không rõ nguồn gốc, không qua kiểm soát (như hàng xách tay), quảng cáo và bán trên các trang web, mạng xã hội hoặc được tư vấn qua điện thoại, sử dụng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo về tác dụng chữa được bệnh, điều trị bệnh hay được quảng cáo dưới các hình thức thư cảm ơn của người bệnh, diễn viên, người nổi tiếng về sản phẩm chữa được bệnh, khỏi bệnh hoặc các hình thức tương tự, đó là các quảng cáo vi phạm quy định pháp luật, thổi phồng công dụng, lừa dối người tiêu dùng.
Theo Cục ATTP, hiện thực phẩm giảm cân và tăng cường sinh lý nam là 2 dòng thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang được quản lý chặt - phương thức kiểm tra cao nhất theo quy định.