70 năm giải phóng Thủ đô

Phát hiện sớm để điều trị kịp thời hội chứng phụ thuộc… toilet

Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Đình Liên - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội chứng phụ thuộc toilet (nhà vệ sinh) là một hội chứng lâm sàng với biểu hiện bệnh là đi tiểu hay đi ngoài nhiều lần, hoặc phải mất nhiều thời gian trong nhà vệ sinh. Hội chứng tuy không gây chết người nhưng gây tổn hại nghiêm trọng công việc, sinh hoạt,… và làm suy sụp tinh thần bệnh nhân.

Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, mỗi ngày có ít nhất 1 - 2 ca mắc chứng phụ thuộc toilet đến khám. Qua thăm khám, nguyên nhân gây bệnh chủ yếu nằm trong 4 nhóm: Thứ nhất, do bệnh nhân mắc bệnh lý hệ tiết niệu như u tuyến tiền liệt gây bí đái, đái khó hay do viêm bàng quang cấp hay mạn, viêm bàng quang kẽ, viêm tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo. Thứ hai, do bệnh lý đại – trực tràng, hậu môn như hội chứng rối loạn hấp thu ở ruột non hay đại tràng, hội chứng đại tràng kích thích, viêm đại tràng do lỵ vi khuẩn hoặc amip, polyp đại – trực tràng, viêm trực tràng chảy máu do xạ trị. Thứ ba, do chế độ uống mất vệ sinh, thiếu khoa học, uống nhiều đồ uống lợi niệu như bia, đồ uống có gas, ăn đồ ăn nhiều mỡ, đồ ăn ôi thiu, đồ ăn gây dị ứng, rối loạn hấp thu. Thứ tư, do bệnh nhân mắc rối loạn tâm lý.
Gần đây, bệnh viện mới điều trị thành công cho trường hợp chị Huỳnh Thị Mơ (40 tuổi, TP Cần Thơ) bị mắc căn bệnh này hơn 20 năm. Mỗi ngày, chị Mơ phải đi vệ sinh hàng chục lần. Khi mang thai đứa con thứ 2, chị Mơ đã từng có ý định bỏ thai vì nghĩ khi sinh ra đứa con sẽ bị ảnh hưởng. Sau khi sinh, căn bệnh tiểu nhiều của chị càng nặng thêm dù có chữa trị cả đông và tây y tốn kém hàng trăm triệu đồng. Cuối cùng, chị Mơ tìm đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Tại đây, sau khi xác định bệnh, chị Mơ được điều trị bằng phương pháp nong niệu đạo, tập cơ thắt, tập nhịn tiểu và bơm rửa bàng quang. Nhờ vậy, tình trạng bệnh của chị đã giảm đáng kể. Đến nay chị Mơ đã gần như kiểm soát được tình trạng đi tiểu.

Những người mắc bệnh này nếu không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống, gây ra cảm giác mệt mỏi, mất ngủ khi đi tiểu đêm, công việc bị gián đoạn, mất tự tin trong cuộc sống... Đặc biệt, nếu để lâu có thể tạo điều kiện cho nhiễm khuẩn ngược dòng, viêm thận dẫn tới bị suy thận. Vì vậy, để phát hiện và điều trị kịp thời, người dân khi thấy các biểu hiện tiểu nhiều lần/ngày, tiểu buốt, tiểu rắt thì nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa Thận – Tiết niệu để thăm khám. Tuyệt đối không nên giấu bệnh, hoặc tự ý dùng thuốc để cắt cơn buồn tiểu vì việc làm này dễ gây biến chứng, gây ứ nước thận, suy thận, kéo dài thời gian điều trị mà không mang lại kết quả tốt.