Phát hiện tiềm năng, năng lực từng cấp học

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (chương trình giáo dục phổ thông mới (CTGDPTM)) chiều 5/8, để lấy ý kiến dư luận.

Để hiểu rõ hơn mục đích đổi mới CTGDPTM, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thứ Trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển xung quanh vấn đề này.

CTGDPTM lần này, có gì khác trước? Thưa ông?

- Chương trình (CT) cũ có phần chung giống như nhập môn, nhập đề, nhưng CT mới viết thẳng thành “chương trình phổ thông tổng thể”. Tổng thể được hình dung là kế hoạch chung của cả giáo dục phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12. Các CT bộ môn sẽ theo CT tổng thể để đảm bảo các bộ môn sẽ hài hòa với nhau, thống nhất từ cấp dưới lên cấp trên, các môn học được thống nhất với nhau (nội dung, kế hoạch, thời gian thực hiện). CT tổng thể sẽ khắc phục được CT cũ cắt khúc, chồng lấn nhau, dạy lại môn.

 
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển.
Trước đây ở CT cũ cũng nói tới phẩm chất, năng lực nhưng khi thực hiện lại quan tâm tới truyền đạt nội dung. Trong CT cũ cũng không đặt ra yêu cầu cụ thể của phẩm chất, năng lực từng cấp học tới đâu, thì lần này phải đặt ra cho từng cấp học; hết tiểu học là gì, hết THCS, THPT năng lực đạt được là gì? Sẽ cụ thể hơn.

Ở CT tổng thể lần này, Bộ có xác định mục tiêu chương trình cấp học như thế nào? 

- Trong mục tiêu CT cấp học, học sinh có tiềm năng gì sẽ phát huy được tiềm năng đó. Mục tiêu CT cấp học mới sẽ cụ thể hơn, trước đây tiểu học phát huy thành tích ban đầu để lên THCS, THCS tiếp tục phát huy giá trị tiểu học để lên THPT, và THPT phát huy từ THCS để lên bậc cao hơn. Mục tiêu của CT cũ không nói rõ và lần này sẽ nói rõ hơn.

Lần này ở bậc tiểu học chủ yếu là đọc thông, viết thạo, sẽ hình thành thói quen trong học tập và sinh hoạt. Mặt giá trị, sẽ định hướng các em những giá trị về gia đình, về quê hương, phạm vi hẹp và mức độ thấp hơn. Ở THCS sẽ cao hơn, không còn là đọc thông, viết thạo nữa, mà là “kiến thức phổ thông nền tảng”. Từ đây, bắt đầu hình thành ra được khả năng tự học. Các em biết tự điều chỉnh bản thân mình theo những giá trị, đạo đức chuẩn mực của xã hội. Ở THPT còn cao hơn nữa, kiến thức phổ thông ở đây đã được định hướng theo những ngành nghề khác nhau. Định hướng này giúp học sinh có khả năng học và chọn nghề. Ở bậc học này sẽ hình thành phương pháp tự học, đây là trách nhiệm nghĩa vụ, quyền lợi công dân.

Thực tế hiện nay, học sinh chúng ta đi thi quốc tế được thế giới đánh giá cao. Tuy nhiên, năng lực giao tiếp, năng lực giải quyết vấn đề lại kém hơn học sinh các nước. Vấn đề này trong CTGDPTM sẽ giải quyết ra sao?

CT mới sẽ tạo cho HS năng động hơn, có tư duy độc lập, có khả năng phát hiện giải quyết vấn đề, có khả năng làm việc theo nhóm. Việc thiết kế CT giáo dục phổ thông lần này, ngoài các môn học tiếp tục phát huy thì có yêu cầu là tăng cường hoạt động xã hội. Hoạt động xã hội là có hướng dẫn, hoạt động hướng tới những sáng tạo, hướng tới những trải nghiệm...

CTGDPTM sẽ tác động như thế nào tới hình thức, phương pháp dạy - học?

- Hình thức tổ chức sẽ phong phú hơn CT cũ, phương pháp dạy học vẫn là phát huy tính tức cực, chủ động sáng tạo của HS, vấn đề này không chỉ có ngồi mà suy nghĩ trong lớp học được. Đánh giá ở đây không phải chỉ đánh giá xem HS thu thập được bao nhiêu kiến thức, mà đánh giá HS vận dụng được kiến thức đó ở mức độ nào. Yêu cầu này sẽ tác động đến cách thức, nội dung ra đề thi sau này. Trước đây chúng ta thường đánh giá xem HS học được đến đâu, bây giờ phải đánh giá xem HS vượt qua khó khăn, HS hứng thú học tập, từ đó dẫn đến phương pháp dạy - học, làm cho HS thích học…

Xin cảm ơn Thứ trưởng!