Tăng đầu tư cho văn hóa
Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, ngành văn hóa đã tích cực, chủ động tham mưu để các cấp ủy Đảng, lãnh đạo chỉ đạo nhiều giải pháp để phát triển văn hóa. Đến thời điểm này, đã có 63 tỉnh, TP đã có chương trình hành động cụ thể để tổ chức thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.
Nhiều địa phương không chỉ chuyển biến bằng cách ban hành Nghị quyết mà đã dành các nguồn lực để đầu tư cho văn hóa với tổng mức đầu tư vượt 2% ngân sách. Không ít địa phương khó khăn cũng đã tăng mức đầu tư ngân sách lên 17% cho lĩnh vực này. Bên cạnh đó, môi trường văn hóa được tập trung, chú trọng xây dựng. Từ đó, những hướng đi đúng, cách chọn việc phù hợp đã nhận được hưởng ứng cao trong hệ thống chính trị và Nhân dân.
Theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng, có giá trị không đo đếm được qua hoạt động văn hóa, du lịch đồng thời được tổ chức, tạo ra điểm đến hấp dẫn như: Liên hoan tiếng hát Làng Sen, Liên hoan đờn ca tài tử, Liên hoan tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông, Liên hoan tiếng hát công nhân... Ở đó, du khách đã được đến tham quan, thưởng ngoạn, mà trong chiều sâu đã tăng thêm tình yêu quê hương đất nước.
Bên cạnh số liệu, điểm nhấn cụ thể, ngành văn hóa đã xác định khi thực hành, phát huy, lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp phải nắm chắc được nguồn tài nguyên văn hóa, qua đó nhằm đẩy mạnh quảng bá thương hiệu văn hóa ra với bạn bè quốc tế. Thông qua quá trình này cũng nhằm để rèn luyện, giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, những giá trị tốt đẹp của văn hóa đã được thế giới công nhận và các thế hệ cha ông ta ngàn năm hun đúc và tạo dựng.
Đồng thời, ngành văn hóa đã ký kết các chương trình phối hợp liên ngành để nhằm phát huy lợi thế, sức mạnh tổng hợp. Đối với Ủy ban Dân tộc, việc phối hợp này nhằm làm sâu sắc hơn nội dung, gắn phát triển văn hóa dân tộc với nhiệm vụ phát triển kinh tế vùng cao, vùng sâu, vùng xa để rút ngắn khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa đồng bằng với miền núi, giữa thành thị và nông thôn.
Bộ VHTT&DL cũng ký kết chương trình phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong vấn đề hình thành văn hóa DN sản xuất và coi đó là một trong những trụ đỡ để phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa một cách bền vững, đúng nghĩa. Song song với đó Bộ còn ký kết các chương trình phối hợp với Bộ Công an trong bảo vệ an ninh văn hóa. Với các địa phương, ngành văn hóa cũng đề xuất các đồng chí lãnh đạo trực tiếp xây dựng các nghị quyết chuyên đề về văn hóa, rà soát, bổ sung về định hướng và xây dựng các kế hoạch để triển khai thực hiện.
Qua đó cho thấy, nhận thức về vai trò văn hóa soi đường cho quốc dân đi được nâng lên từ trong chính các cấp ủy Đảng và lan tỏa đến toàn xã hội. Nhất là khắc phục được những hạn chế, khuyết điểm, hiểu lệch lạc về cơ quan văn hóa chỉ là tiêu tiền và tổ chức sự kiện. Từ đó huy động nguồn lực chăm lo cho văn hóa với nhận thức đầu tư cho văn hóa là đầu tư có tính chất lâu dài, đầu tư cho sự phát triển. Cần phải nhìn sự vận động, phát triển văn hóa trong lịch sử và suốt cả quá trình vận hành chứ không chỉ nhìn vào hiện tượng mà đánh giá.
“Ở góc độ triển khai thực hiện, tôi cho rằng đã thực hiện một cách bài bản, khoa học, quyết liệt và đến nay đã có sự chuyển biến ban đầu. Tôi hy vọng với quyết tâm và sức lan tỏa, lĩnh vực văn hóa sẽ có chuyển biến tốt hơn trong thời gian tới” - Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.
Đổi mới tư duy
Sau khi tổ chức thành công Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với 5 quan điểm lớn, 4 mục tiêu và 11 nhiệm vụ, giải pháp.
Thời gian tới, để tiếp tục triển khai tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cần tập trung nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa trong đổi mới và phát triển bền vững. Đồng thời đổi mới tư duy lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về phát triển văn hóa, xây dựng con người tương xứng, hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý Nhà nước về văn hóa theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo vai trò kiến tạo phát triển văn hóa, xây dựng con người, tăng cường hiệu quả của các hệ thống thiết chế văn hóa.
Cũng theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, cần quan tâm phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người dân, tạo điều kiện cho các sản phẩm văn hóa vận hành theo nguyên tắc thị trường. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, là những chủ thể văn hóa có bản lĩnh, sáng tạo, có khả năng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế.
"Thực tế trong những năm qua, chúng ta cũng đã tập trung rất nhiều đến lĩnh vực văn hóa mà đỉnh cao có thể kể đến là việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Tại Hội nghị, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của đất nước, văn hóa còn thì dân tộc còn. Chính những điều đó giúp cho đất nước một lần nữa ý thức sâu sắc hơn vị trí và vai trò của văn hóa trong sự phát triển của đất nước hiện nay" - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Tại Hà Nội, từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đến nay, TP đã triển khai chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai một cách bài bản, khoa học, quyết liệt các chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị. Cụ thể, trong nhiệm kỳ nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ TP Hà Nội ban hành 2 Nghị quyết chuyên đề gồm: Nghị quyết 09-NQ/TU về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045" và Nghị quyết số 04-NQ/TU về "Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo".
Đặc biệt, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa, đặt mục tiêu phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô. Để đạt được mục tiêu trên, Hà Nội xác định đổi mới tư duy, nhận thức về phát triển công nghiệp văn hóa là một quá trình thường xuyên, liên tục, lâu dài và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện.
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, văn hóa phải được sử dụng như một dạng sức mạnh mềm của đất nước, để từ đó có thể mở rộng hợp tác và cạnh tranh bình đẳng trên trường quốc tế. Bên cạnh việc phát huy sức mạnh mềm, việc làm sống dậy các di sản, di tích cũng là một giải pháp quan trọng cần được đặc biệt quan tâm.
Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo - Đại học Quốc gia Hà Nội, GS.TS Vũ Minh Giang