Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Phú Thọ: thúc đẩy kích cầu du lịch trong không gian phát triển mới

Kinhtedothi - Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Du lịch Việt Nam (9/7/1960 - 9/7/2025), tỉnh Phú Thọ đã chính thức phát động Chương trình kích cầu du lịch năm 2025 với thông điệp “Phú Thọ - Đến để yêu”, mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới trong không gian du lịch mở rộng sau sáp nhập.

Bứt phá từ không gian phát triển mới sau sáp nhập

Phát biểu tại lễ phát động, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ Dương Hoàng Hương cho biết, 65 năm qua, cùng với sự lớn mạnh của ngành du lịch Việt Nam, du lịch Phú Thọ đã từng bước khẳng định vị thế, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đặc biệt, sau khi hợp nhất 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình, ngành du lịch bước vào giai đoạn tăng tốc mới với định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

“Du lịch của 3 tỉnh trước đây đều đã hình thành thương hiệu riêng với tốc độ tăng trưởng ấn tượng từ 10 - 15%/năm, thu hút trên 10 triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Các sản phẩm ngày càng phong phú, từ du lịch văn hóa - lịch sử, sinh thái, nghỉ dưỡng, đến du lịch cộng đồng và ẩm thực. Nhiều khu, điểm du lịch nổi bật đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách trong và ngoài nước” - ông Dương Hoàng Hương khẳng định.

Tỉnh Phú Thọ chính thức phát động Chương trình kích cầu du lịch năm 2025. Ảnh: Sỹ Hào

Cũng theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ, chương trình kích cầu năm 2025 sẽ triển khai hàng loạt sản phẩm, tour du lịch mới mẻ, hấp dẫn; công bố nhiều gói ưu đãi từ 10% đến 30% trên các loại hình dịch vụ như lưu trú, nghỉ dưỡng, ăn uống, vận chuyển, giải trí, trải nghiệm cộng đồng... nhằm nâng cao trải nghiệm du khách, tăng tỷ lệ lưu trú, chi tiêu, qua đó tạo đà tăng trưởng bền vững tại địa phương.

Bên cạnh đó, tỉnh Phú Thọ sẽ đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, làm mới sản phẩm và tăng cường liên kết giữa các khu, điểm du lịch với doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ. Tỉnh cam kết giảm giá nhưng không giảm chất lượng, đảm bảo chất lượng phục vụ ngày càng chuyên nghiệp, thân thiện.

Phát triển du lịch thông minh, tạo động lực tăng trưởng bền vững

Đánh giá cao sáng kiến của địa phương, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Nguyễn Trùng Khánh cho rằng: “Việc phát động chương trình kích cầu ngay sau khi sáp nhập thể hiện rõ tinh thần chủ động, quyết tâm và trách nhiệm của tỉnh Phú Thọ trong phát triển du lịch, đóng vai trò hạt nhân phát triển vùng”. Ông Nguyễn Trùng Khánh cũng ghi nhận sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh trong việc xác định du lịch là một trong những trụ cột của nền kinh tế mới.

Lễ hội Đền Hùng gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: Sỹ Hào

Sau sáp nhập, không gian phát triển của Phú Thọ được mở rộng đồng bộ, hài hòa, tạo dư địa lớn cho phát triển du lịch. Với quy mô kinh tế năm 2024 đạt 345.600 tỷ đồng, dự kiến năm 2025 lên tới 390.000 tỷ đồng, Phú Thọ mới đang hội tụ đầy đủ yếu tố để phát triển du lịch tổng hợp.

Từ những giá trị văn hóa - lịch sử độc đáo như Đền Hùng gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, di sản văn hóa phi vật thể hát Xoan đến cảnh quan thiên nhiên phong phú như Vườn quốc gia Xuân Sơn, hồ Hòa Bình, danh thắng Tây Thiên, các khu du lịch nổi tiếng như Tam Đảo, Đại Lải, suối khoáng Thanh Thủy, Phú Thọ còn sở hữu lợi thế tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, hạ tầng giao thông phát triển, khí hậu ôn hòa, thuận lợi để phát triển các dòng sản phẩm chất lượng cao như du lịch văn hóa - tâm linh, sinh thái nghỉ dưỡng, cộng đồng khám phá, du lịch hội thảo và du lịch cuối tuần.

Lễ hội Tây Thiên Tam Đảo hàng năm thu hút đông đảo Nhân dân tham dự. Ảnh: Sỹ Hào

Theo Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia, để phát huy lợi thế và vượt qua thách thức sau sáp nhập, Phú Thọ cần tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm: rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển du lịch gắn với hệ thống quy hoạch quốc gia, tạo chuỗi sản phẩm đặc sắc theo vùng miền.

Đẩy mạnh chương trình kích cầu năm 2025, phát triển sản phẩm mới theo hướng “xanh - bền vững - số”; chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ trong quản lý và truyền thông quảng bá du lịch; nâng cao năng lực quản trị du lịch, cải cách bộ máy quản lý Nhà nước tinh gọn, hiệu quả.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh đào tạo nghề, ngoại ngữ, công nghệ số cho lao động ngành du lịch; khuyến khích xã hội hóa đầu tư, cải thiện hạ tầng và dịch vụ, phát triển du lịch an toàn, hiệu quả và bền vững.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tỉnh Phú Thọ mới đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm du lịch văn hóa - sinh thái - nghỉ dưỡng hàng đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của ngành du lịch Việt Nam trong giai đoạn mới.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ