Đây là những nhân tố quan trọng giúp TP hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị và đưa Thủ đô phát triển…
14/14 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch
Xác định công tác xây dựng Đảng là khâu then chốt, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thành ủy Hà Nội đã thể hiện quyết tâm cao xây dựng cấp ủy và tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ) trong sạch, vững mạnh; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Nổi bật, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ TP, Thành ủy Hà Nội ban hành 10 chương trình công tác lớn, trong đó Chương trình số 01-CT/TU ngày 17/3/2021 về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị TP trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2021 - 2025” được coi là xương sống, cốt lõi.
Đến nay đã có 14/14 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch, trong đó có 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch thuộc các lĩnh vực như: kết nạp đảng viên mới, công tác cán bộ, CCHC… Thành ủy đặc biệt coi trọng việc củng cố, xây dựng TCCSĐ và đội ngũ đảng viên. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã kiện toàn, củng cố, thành lập mới một Đảng bộ cấp trên cơ sở theo mô hình mới; thành lập 577 chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn.
Thành ủy Hà Nội luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thành ủy đã tổ chức bồi dưỡng cho 132 cán bộ quy hoạch nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2025 - 2030 ở trong nước; tổ chức 4 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho 870 đồng chí cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.
Ngoài ra, tiếp tục chỉ đạo quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố TCCSĐ yếu kém theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4/7/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy. Từ năm 2021 đến nay, Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU TP đã đưa vào theo dõi, củng cố 54 TCCSĐ; kết quả, đã củng cố xong 52/54 TCCSĐ, còn 2 TCCSĐ được chuyển về cấp huyện tiếp tục theo dõi. Đồng thời, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn TP đã thành lập 286 tổ chức Đảng với 2.346 đảng viên; kết nạp 19 chủ DN vào Đảng; thành lập 2.061 tổ chức đoàn thể với 126.937 đoàn viên, hội viên.
Bên cạnh đó, Thành ủy chỉ đạo triển khai thực hiện 2 phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” và “Điều hành tác nghiệp quản lý đảng viên” từ 1/1/2023. Kết nối mạng diện rộng của Đảng đến 579/579 Đảng ủy xã, phường, thị trấn và thực hiện đồng bộ, nền nếp hầu hết các nghiệp vụ Đảng vụ trên phần mềm.
Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên sử dụng phần mềm đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hàng tháng trong cả hệ thống chính trị của TP, bảo đảm thông suốt, hiệu quả. Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, có tổng số 3.315 lượt cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý được đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm.
Về thực hiện Đề án số 12-ĐA/TU ngày 18/2/2022 về “Nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa vi phạm”, Ban Thường vụ Thành ủy đã triển khai 5 cuộc giám sát đối với 47 tổ chức đảng và 41 đảng viên; các cấp ủy trực thuộc giám sát đối với 4.231 lượt tổ chức đảng, 3.078 lượt đảng viên.
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy giám sát đối với 51 lượt tổ chức đảng, 201 lượt đảng viên. Ủy ban Kiểm tra các cấp giám sát chuyên đề đối với 3.850 lượt tổ chức đảng và 4.969 lượt đảng viên. Qua giám sát đã chuyển kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 10 tổ chức đảng và 15 đảng viên.
Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 466 lượt tổ chức đảng và 1.089 đảng viên; kết luận 227 tổ chức đảng và 656 đảng viên có vi phạm; phải thi hành kỷ luật 41 tổ chức đảng và 414 đảng viên. Còn trong đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực, Ban Thường vụ Thành ủy thành lập 18 đoàn kiểm tra, giám sát đối với 148 tổ chức đảng và 69 lượt đảng viên về phòng chống tham nhũng tiêu cực.
Sau một năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP Hà Nội”, đã thúc đẩy tinh thần dám nghĩ, dám làm và trở thành đòn bẩy trong nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị TP.
Đặc biệt về xây dựng và triển khai thi hành Luật Thủ đô, TP đã hoàn thiện 9 chính sách đề nghị xây dựng Luật Thủ đô, tập trung vào 5 vấn đề lớn. Đến nay, Luật Thủ đô được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 28/6/2024.
Trong đó, để đáp ứng yêu cầu CCHC, 7 nội dung cơ chế, chính sách triển khai thi hành Luật Thủ đô được ưu tiên xây dựng ban hành trước ngày 1/1/2025 và 4 nội dung cơ chế, chính sách cá biệt đề xuất thực hiện sau khi Luật Thủ đô có hiệu lực…
Địa phương đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực
Qua 2 cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội trong năm 2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thành ủy Hà Nội đã quyết liệt thực hiện đồng bộ, có hiệu quả 10 chương trình công tác, 5 định hướng lớn, 3 khâu đột phá, 20 chỉ tiêu và 14 nhiệm vụ, giải pháp.
Hà Nội đã thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo, có trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt, sâu sát với thực tế; vừa tập trung chỉ đạo giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc, vừa triển khai các nhiệm vụ lâu dài, mang tính chiến lược liên quan đến phát triển Thủ đô.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, với sự chỉ đạo sâu sắc, quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự nỗ lực, cố gắng của DN và sự đồng hành của toàn thể Nhân dân Thủ đô, cùng với đó là hàng lang pháp lý quan trọng mà T.Ư đã dành cho Thủ đô, TP Hà Nội đã vượt qua khó khăn, giữ vững ổn định chính trị, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển. Hà Nội đã trở thành địa phương tiêu biểu, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực, trở thành một điểm sáng về đổi mới, một cực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Hồng, khu vực phía Bắc và cả nước.
Tiếp thu các chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cho biết, tập thể Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ TP tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, bản lĩnh, sáng tạo, gương mẫu đã được xây dựng, phát triển và giữ vững trong suốt 94 năm qua để tiếp tục lãnh đạo Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.
Trong đó, TP tập trung lãnh đạo thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các TCCSĐ, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Kiên quyết, kiên trì thực hiện công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực…
Qua đó, để Thủ đô Hà Nội thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII. Đồng thời, tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò, vị thế của Thủ đô để xây dựng Hà Nội là TP “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.