Kinhtedothi - Mỹ Đức được biết đến là một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, là nơi có danh thắng Hương Sơn với động Hương Tích "đẹp nhất trời Nam". Phát huy truyền thống ấy, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và người dân huyện Mỹ Đức luôn đoàn kết, ra sức xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, văn minh.
Cùng dòng chảy lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, lớp lớp thế hệ người Mỹ Đức luôn chung sức, dũng cảm chiến đấu góp phần giải phóng quê hương, giải phóng dân tộc. Năm 1945, thực hiện Chỉ thị của Xứ ủy Bắc Kỳ về "Khởi nghĩa ở những nơi nắm chắc thắng lợi", huyện Mỹ Đức và Ứng Hòa đã được Tỉnh ủy Hà Đông chọn làm điểm khởi nghĩa giành chính quyền trước tiên của tỉnh. Ngày 17/8/1945, từ sáng sớm, các Đội tự vệ cứu quốc với áo vải, quần nâu, nai nịt gọn gàng, vũ khí thô sơ từ các thôn làng đã đứng lên khởi nghĩa, trở thành một trong những huyện giành chính quyền sớm của tỉnh Hà Đông.
Quê hương cách mạng
Thực hiện Chỉ thị "Toàn quốc kháng chiến" của T.Ư và lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và người dân Mỹ Đức đã nêu cao tinh thần anh dũng, kiên trì xây dựng cơ sở, phát triển lực lượng. Từ tháng 3/1947 đến đầu năm 1954, thực dân Pháp đã mở nhiều đợt càn quét quy mô lớn vào các xã trong huyện, trút xuống địa bàn huyện hàng ngàn tấm bom đạn. Trước sức tàn phá đó, hơn 100 làng xóm bị san bằng, hàng trăm nóc nhà bị đốt phá, hàng trăm tấn lương thực thực phẩm bị phá hủy, hàng vạn gia súc bị cướp và hàng ngàn người dân vô tội bị giết hại. Tuy gặp nhiều tổn thất, mất mát nhưng người dân và lực lượng vũ trang trong huyện vẫn kiên cường chiến đấu, kết hợp đấu tranh chính trị, binh vận, phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực chiến đấu 236 trận lớn nhỏ. Qua đó, đã tiêu diệt 5.757 tên địch, đồng thời bắt sống, chiêu hàng 1.260 tên và phá hủy 14 xe cơ giới, thu 1.234 vũ khí các loại, hàng vạn viên đạn. Những trận đánh tiêu biểu như trận phục kích ngày 17/10/1951 của du kích xã Đồng Tâm đã tiêu diệt gọn 1 đại đội lính Âu - Phi; trận đánh ngày 7/2/1952 tại khu vực đồi Đình - Tuy Lai tiêu diệt 60 tên địch, thu 45 súng các loại. Đặc biệt, trong trận chiến đấu ngày 13/10/1953, du kích xã Đốc Tín đã đánh lui 1 đại đội lính Âu - Phi, tiêu diệt 71 tên, thu 66 súng các loại. Trong trận này, đội viên du kích Nghiêm Xuân Cường đã dùng súng trường bắn rơi 1 máy bay B26 của giặc Pháp. Đây là chiến công đặc biệt và duy nhất của người dân và lực lượng vũ trang tỉnh Hà Đông (cũ) trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ cùng người dân huyện Mỹ Đức đã nêu cao tinh thần cách mạng với khẩu hiệu "Tất cả vì tiền tuyến, vì miền Nam ruột thịt". Đáp lời kêu gọi của Đảng, thanh niên Mỹ Đức đã hăng hái lên đường tòng quân giết giặc, với 38 lần giao quân, có 13.756 thanh niên vào bộ đội, vượt chỉ tiêu 7,2%. Ngoài ra, từ năm 1964 - 1975 huyện đã huy động 2.745 người thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, phục vụ ở các chiến trường...
Đổi thay từng ngày
Sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, nhất là từ khi hợp nhất với Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết 15 của Quốc hội, phát huy truyền thống cách mạng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Mỹ Đức đã nỗ lực phấn đấu, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng tổng giá trị sản xuất của huyện đến năm 2013 đạt 2.243,7 tỷ đồng, đạt 99,8% so với kế hoạch, bình quân thu nhập đầu người đạt 17,5 triệu đồng/người/năm. Quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện.
Thực hiện 9 chương trình công tác và 2 nhiệm vụ trong tâm của Thành ủy, Huyện ủy Mỹ Đức đã cụ thể hóa thành 5 chương trình công tác, 2 nhiệm vụ trọng tâm của huyện, trong đó tập trung thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), từng bước nâng cao đời sống nông dân". Sau hơn 3 năm thực hiện, xã điểm Phùng Xá đã tiếp cận đạt chuẩn NTM, 8 xã đang cố gắng phấn đấu đạt chuẩn xã NTM vào năm 2015 và 2016. Về dồn điền đổi thửa, đến nay, huyện đã dồn được 7.441,04ha, đạt 99,04% kế hoạch TP giao. Đặc biệt, huyện quan tâm đầu tư kinh phí để xây dựng giao thông, thủy lợi nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa vào sản xuất, góp phần tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích.
Cùng với tập trung phát triển kinh tế, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện luôn luôn coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu về văn hóa - xã hội, nhất là lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, công tác xóa đói, giảm nghèo... Chất lượng giáo dục đại trà của huyện đến nay tăng 7 bậc so với năm 2008, số học sinh giỏi các cấp tăng hàng năm. Nếu năm học đầu tiên về với Thủ đô, giáo dục Mỹ Đức đứng ở vị trí 29/29 đơn vị thì đến năm học 2012 - 2013 Mỹ Đức đã vươn lên xếp thứ 16/29 quận huyện, thị xã trong TP. Bên cạnh đó, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh" cũng đang ngày càng đi sâu vào cuộc sống. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã được các gia đình hưởng ứng tích cực. Công tác chăm sóc sức khỏe người dân được quan tâm. Đến hết năm 2013, huyện có 14/22 xã, thị trấn được công nhận xã đạt chuẩn quốc gia về y tế theo tiêu chí mới...
Nhờ chuyển đổi trồng bưởi Diễn, nhiều hộ nông dân xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức có điều kiện nâng cao đời sống. Ảnh: Thắng Văn
|
Ngày 22/8/2014, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 2097 tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Nhân dân và cán bộ huyện Mỹ Đức vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2009 - 2013 góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. |