Phát biểu chào mừng tại Hội nghị, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ mong rằng, để thích ứng với cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong tình hình mới, thời gian tới báo chí Cần Thơ nói riêng, báo chí cả nước nói chung tiếp tục đẩy mạnh phát triển các sản phẩm báo chí đa nền tảng, đa dịch vụ, đa phương tiện; ứng dụng dữ liệu lớn và trí thông minh nhân tạo trong hoạt động báo chí, truyền thông.
Đặc biệt trong các hoạt động sáng tạo các tác phẩm; chú trọng phát triển nguồn nhân lực báo chí vừa “hồng” vừa “chuyên”, bám sát sự phát triển và xu thế của báo chí hiện đại, tập trung vào trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên ngành, nâng cao tính chủ động và kỹ năng của Nhà báo, góp phần “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận những kết quả, biểu dương những thành tích xuất sắc mà các cơ quan báo chí đã đạt được trong năm 2024, góp phần vào sự phát triển, thành công chung của cả đất nước.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định những thành tích của báo chí trong năm qua có sự đóng góp quan trọng của công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí, công tác hội; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan chủ quản; và đặc biệt là sự nỗ lực, trách nhiệm của các lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên, người làm báo cả nước.
Để thực hiện tốt sứ mệnh, thực hiện thành công mục tiêu “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các cơ quan báo chí cần tiếp tục tuyên truyền sâu sắc, toàn diện, kịp thời các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Báo chí phải góp phần kiến tạo không gian phát triển mới, phải cổ vũ, tạo ra phong trào thi đua sáng tạo, đấu tranh mạnh mẽ với các rào cản, trì trệ, góp phần cùng Đảng, Nhà nước và Nhân dân tạo nền tảng vững chắc để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Đồng thời, thông tin, tuyên truyền cần trọng tâm, trọng điểm, tạo ấn tượng mạnh mẽ, tương xứng với tầm vóc của các sự kiện, có tính lan tỏa cao, phải tạo được niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục phản ánh kịp thời, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, quảng bá hình ảnh một quốc gia đổi mới, năng động, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế.
Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cần tập trung rà soát, đánh giá việc thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; tham mưu sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 và các văn bản pháp luật về báo chí theo hướng kiên quyết từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.
Đặc biệt, kiên quyết thu hồi giấy phép hoạt động của các cơ quan báo, tạp chí dể xảy ra sai phạm nghiêm trọng, kéo dài; các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp cần chủ động tiến hành sắp xếp lại tổ chức bộ máy của cơ quan tạp chí trực thuộc, đề xuất cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép hoạt động tạp chí nếu thấy không cần thiết.
Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục giữ vững vai trò chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí. Kiên quyết xử lý tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, không để các trang thông tin điện tử tổng hợp trở thành “siêu cơ quan báo chí”.
Các cơ quan báo chí cần tập trung cao độ cho việc tuyên truyền việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Báo chí cần chủ động đi trước định hướng dư luận xã hội để việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhanh chóng được thực thi trong toàn hệ thống chính trị.
Bên cạnh việc tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, thống nhất với chủ trương của Trung ương, ông Nguyễn Trọng Nghĩa chia sẻ với những băn khoăn, lo lắng của những người làm báo tại các cơ quan báo chí thuộc diện hợp nhất, kết thúc hoạt động.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, việc thực hiện chủ trương lần này là rất quan trọng, rất cần thiết đối với nền báo chí cách mạng; không chỉ đơn thuần là việc tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm số lượng cơ quan báo chí một cách cơ học, mà mục tiêu cao nhất, quan trọng nhất là nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền trên báo chí, để mỗi cơ quan báo chí mạnh hơn, để mỗi người làm báo tự tin hơn, yêu, đam mê và nhiệt huyết với nghề nghiệp của mình hơn, vững tin xây dựng kỷ nguyên mới của báo chí cách mạng Việt Nam khi bước vào dấu mốc 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam.
Đảng, Nhà nước sẽ có cơ chế chính sách bảo đảm quyền lợi cho cơ quan báo chí, những người làm báo bị tác động của việc sắp xếp, tinh gọn; sẽ có chính sách đầu tư nguồn lực để bảo đảm các cơ quan báo chí sau sắp xếp hoạt động ổn định và phát triển.
Tại Hội nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương đã trao Bằng khen tặng 31 cơ quan, đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2024; Bộ Thông tin và Truyền thông trao tặng Giấy chứng nhận đạt mức xuất sắc về trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2024 cho 28 cơ quan báo chí.
Thông tin tại hội nghị cho biết, cả nước hiện có 884 cơ quan báo chí (812 báo, tạp chí và 72 Đài PTTH). Về doanh thu năm 2024 đối với khối báo chí in, điện tử doanh thu ước đạt 8.080 tỉ đồng, giảm 6,1% so với năm 2023, trong đó quảng cáo giảm 5,6%. Khối Phát thanh, Truyền hình có tổng nguồn thu năm 2024 đạt trên 9.140 tỉ đồng (năm 2023 là 11.939 tỉ đồng).