Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát huy vai trò của kinh tế tập thể

Trọng Tùng (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù trải qua nhiều khó khăn, tuy nhiên đến nay, khu vực kinh tế tập thể Thủ đô đã bước đầu gặt hái được những kết quả đáng khích lệ.

 Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP Hà Nội Nguyễn Tiến Phong
Nhân Đại hội đại biểu Liên minh Hợp tác xã (HTX) TP Hà Nội lần thứ V, nhiệm kỳ 2017 - 2022, báo Kinh tế & Đô thị có cuộc trò chuyện với Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP Hà Nội Nguyễn Tiến Phong về định hướng phát triển của khu vực kinh tế này trong giai đoạn tới.
Vẫn còn tình trạng “bình mới rượu cũ”

Sau hơn 4 năm triển khai thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 (có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2013), ông đánh giá như thế nào về những kết quả đã đạt được của khu vực kinh tế tập thể TP Hà Nội?

- Theo kết quả rà soát, toàn TP hiện có 1.550 HTX đang hoạt động. Triển khai thi hành Luật HTX năm 2012, đến nay, đã có 1.452 HTX hoàn thành chuyển đổi theo luật, chiếm khoảng 95%. Các HTX sau chuyển đổi đã và đang từng bước được củng cố, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động. Nhiều HTX đã phát huy được vai trò tiên phong trong công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Đối với nhóm các HTX được thành lập mới, đã bước đầu xác định được đường hướng sản xuất, kinh doanh khả thi, có hiệu quả. Nhiều HTX đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Thu nhập của cán bộ, thành viên các HTX từng bước được nâng cao.

Sau quá trình chuyển đổi, các HTX, nhất là nhóm HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn gặp phải những khó khăn gì, thưa ông?

- Thống kê cho thấy, nhóm HTX nông nghiệp chiếm khoảng 59% tổng số HTX đang hoạt động. Thực tế sau chuyển đổi, hoạt động của nhiều HTX nông nghiệp còn mang nặng tư duy kiểu cũ. Thành viên tham gia HTX góp vốn ít, chỉ mang tính hình thức. Phương án sản xuất, kinh doanh vẫn rất đơn giản, chỉ bao gồm một số dịch vụ truyền thống như làm đất, khuyến nông, phòng trừ sâu bệnh hại, thủy lợi… Việc tỷ lệ vốn góp thấp khiến nhiều HTX không có vốn đầu tư sản xuất, trong khi khả năng tiếp cận với nguồn vốn rất hạn chế. Nguyên nhân là bởi các HTX chưa có phương án sản xuất, kinh doanh hoặc có nhưng thiếu khả thi, chưa thuyết phục được Hội đồng thẩm định cho vay vốn của Quỹ Phát triển HTX. Rất ít HTX có tài sản thế chấp để có thể vay vốn tại các ngân hàng, quỹ tín dụng Nhân dân… Nói cách khác, không ít HTX gần như chỉ chuyển đổi… cho xong, trong khi thực chất hoạt động vẫn còn tình trạng “bình mới rượu cũ”.

Chính quyền thờ ơ, HTX trì trệ

Thực tế cho thấy, tại nhiều huyện như Thanh Oai, Thanh Trì, Phúc Thọ, Hoài Đức…, các HTX hoạt động khá hiệu quả. Tuy nhiên, tại một số địa phương, khu vực kinh tế tập thể chuyển biến khá chậm. Lý do là gì thưa ông?

- Đúng là trong quá trình triển khai Luật HTX năm 2012, có địa phương làm tốt, có địa phương làm chưa đến nơi đến chốn. Điều này có vai trò, trách nhiệm rất lớn của chính quyền địa phương. Chính sách của T.Ư, TP Hà Nội khi ban hành áp dụng chung cho các HTX chứ không có phân biệt. Thực tế cho thấy, ở đâu chính quyền địa phương quan tâm, ở đó phong trào kinh tế tập thể phát triển nhanh, có hiệu quả. Ngược lại, nơi đâu chính quyền thờ ơ, không tránh khỏi hoạt động của các HTX rơi vào trì trệ. Do đó, để vực dậy khu vực kinh tế tập thể, các địa phương cần có sự quan tâm nhiều hơn, không chỉ về mặt quản lý Nhà nước, mà còn cần giao cho HTX thêm một số dịch vụ khác như: Quản lý chợ, vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch…

Mới đây, Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm Trưởng ban đã chính thức ra mắt. Theo ông, điều này sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, HTX?

- Việc đưa vào vận hành bộ máy quản lý cấp cao, có chuyên trách, hứa hẹn sẽ tạo sự thống nhất chỉ đạo từ cấp T.Ư đến địa phương. Bên cạnh tạo dựng hành lang pháp lý và tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển HTX, những văn bản, nghị định, kế hoạch về phát triển kinh tế tập thể được ban hành trước đây, nhưng chậm được triển khai, chắc chắn cũng sẽ sớm được tháo gỡ để đi vào cuộc sống.

Nhận thức được tầm quan trọng sự phát triển của các HTX, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên thành lập Ban Chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể. Kể từ khi đi vào hoạt động, Ban Chỉ đạo đã góp phần rất quan trọng trong xây dựng đường hướng, kế hoạch triển khai và đôn đốc, chỉ đạo việc thực hiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể Thủ đô.

Tạo đầu ra cho sản phẩm HTX

Theo ông, đâu là giải pháp căn cơ để có thể phát triển được nhóm các HTX nông nghiệp - đơn vị hiện vẫn chiếm tới 59% tổng số HTX đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội?

- Một trong những giải pháp trọng tâm để phát triển các HTX nông nghiệp là tạo đầu ra cho nông sản. Thực tế cho thấy, đối với các HTX có đầu ra thuận lợi thì cán bộ, xã viên hăng hái lao động, qua đó thúc đẩy sản xuất. Ngược lại, nếu không có đầu ra, sẽ rất khó kích thích được tính chủ động, sáng tạo, mạnh dạn đầu tư của các HTX. Để tạo được đầu ra cho các HTX, đến nay, Liên minh HTX TP Hà Nội đã bước đầu triển khai được chuỗi 5 cửa hàng trưng bày, giới thiệu và cung ứng nông sản an toàn. Những chuỗi liên kết này vừa giúp tiêu thụ nông sản cho các HTX, vừa góp phần mang nông sản sạch đến tay đông đảo người tiêu dùng.

Bên cạnh chuỗi cung ứng nông sản, theo ông, làm thế nào để các HTX có thể tiếp cận được với những đòi hỏi ngày một khắt khe của thị trường hiện nay?

- Muốn phát triển nông nghiệp phải sản xuất theo quy mô lớn. Muốn cạnh tranh thì phải từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đây là hướng đi chung đối với các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, vốn là bài toán không dễ. Hiện nay, Quỹ Phát triển HTX của Liên minh HTX TP Hà Nội vẫn tổ chức cho vay đối với các HTX, song do nguồn quỹ có hạn nên mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu. Hiện, Liên minh HTX TP Hà Nội vẫn đang tích cực phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương trong việc hỗ trợ HTX thành viên xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý cho các nông sản đặc trưng. Đồng thời tăng cường giới thiệu quảng bá các sản phẩm chủ lực và chất lượng cao trên các phương tiện thông tin. Kết nối với các DN trong việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho các HTX… Mục tiêu là tạo điều kiện tốt nhất để các HTX tiếp cận được với thị trường tiêu thụ cạnh tranh hiện nay.

Trong giai đoạn tới, nhiệm vụ trọng tâm mà Liên minh HTX TP Hà Nội sẽ tập trung triển khai là gì, thưa ông?

- Trong giai đoạn tới, bên cạnh tập trung hướng dẫn các HTX củng cố lại tổ chức theo Luật HTX năm 2012, Liên minh HTX TP Hà Nội sẽ hỗ trợ xây dựng một số mô hình HTX điển hình tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Từ đó, có đánh giá, nhân rộng các mô hình. Cùng với tổ chức sản xuất hàng hóa theo chuỗi liên kết, đơn vị sẽ phối hợp, tạo điều kiện để các HTX xây dựng những hình thức tổ chức sản xuất mới, phù hợp với điều kiện từng địa phương. Trong đó, chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản an toàn. Để thực hiện được mục tiêu này, Liên minh HTX TP Hà Nội kiến nghị TP tiếp tục quan tâm, có cơ chế, chính sách tháo gỡ những khó khăn nội tại, tạo đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể giai đoạn tới.

Xin cảm ơn ông!