Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dự và chỉ đạo hội nghị. Tham dự hội nghị về phía Trung ương có các Bí thư Trung ương Đảng: Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài.
Tại điểm cầu Thành uỷ Hà Nội có Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn; Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà.
Đổi mới nội dung trong công tác dân vận
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cấp ủy các cấp cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác dân vận có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động. Các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, triển khai thực hiện nội dung công tác dân vận theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Đại hội Đảng các cấp gắn với thực hiện Quyết định số 23-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, Nghị quyết số 25-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.
Hệ thống dân vận có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hình thành nhiều mô hình phòng, chống dịch thiết thực. Chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận chính quyền, nhất là triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; tăng cường thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; đối thoại với Nhân dân và đầy mạnh cải cách hành chính. Lực lượng vũ trang phát huy tốt vai trò nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền đất nước, là lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Năm 2022, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, công tác dân vận sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng tham mưu với cấp ủy triển khai thực hiện tốt quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, tạo sự chuyển biến mạnh trong nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị về công tác dân vận. Đồng thời, phát huy vai trò của Nhân dân trong tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, đẩy mạnh các phong trào thi đua thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, gắn với học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Gắn thực hiện Quy chế dân chủ với phòng chống dịch
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã trình bày các tham luận với các nội dung như: Công tác dân vận gắn với cải cách hành chính trong lực lượng Công an Nhân dân năm 2021; Quân đội thực hiện công tác dân vận trong tham gia phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện chính sách an sinh xã hội; thực hiện quy chế dân chủ của các cơ quan Nhà nước.
Tham luận tại hội nghị về nội dung “Thực hiện Quy chế dân chủ của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, TP đạt được nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có sự đóng góp của công tác dân vận.
Cụ thể, bám sát chỉ đạo của Ban Dân vận Trung ương với chủ đề năm là “Đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”, TP đã ban hành Chỉ thị về công tác dân vận trong các cơ quan Nhà nước cùng nhiều Chỉ thị, hướng dẫn khác liên quan đến công tác dân vận. Đồng thời, gắn việc thực hiện quy chế dân chủ tại các cơ quan hành chính với đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn toàn TP. Đáng chú ý, việc thực hiện Quy chế dân chủ trong năm 2021 của TP được gắn chặt với công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, Thành ủy Hà Nội tập trung lãnh đạo một loạt nhiệm vụ trọng tâm. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong năm 2022 là làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19; song song với đó là chăm lo, đảm bảo an sinh xã hội, cuộc sống của mọi người dân gắn với tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp để kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển, đóng góp tích cực vào kết quả chung của cả nước.
Giải quyết bức xúc trong dân ngay từ cơ sở
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư đánh giá cao sự nỗ lực của hệ thống dân vận trong năm 2021, một năm gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhưng vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, đáng chú ý là thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, huy động được sức mạnh của các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia công tác giám sát, phản biện xã hội nhằm góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, hệ thống dân vận cả nước đã có nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả để cùng với cả hệ thống chính trị cùng tham gia vào công tác phòng, chống dịch.
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho biết năm 2022, đại dịch dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp với nhiều khó khăn thách thức mới đan xen. Để công tác dân vận đạt kết quả cao theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu hệ thống dân vận cả nước thực hiện quyết liệt 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, công tác dân vận của Đảng phải tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động, tạo sự chuyển biến thực sự trong nhận thức của các cấp ủy đảng và cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận của Đảng theo hướng thiết thực, gắn bó mật thiết với cuộc sống của Nhân dân.
Bên cạnh đó, Ban Dân vận các cấp sớm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác dân vận, Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Trong đó, đổi mới công tác dân vận theo hướng nâng cao năng lực dự báo, tầm nhìn chiến lược trong tình hình mới; thực hiện tốt việc nắm tình hình Nhân dân trong thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Đồng thời, thực hiện nghiêm việc tiếp xúc đối thoại với Nhân dân, giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc trong Nhân dân ngay từ cơ sở, những vụ việc kéo dài, tham nhũng mà Nhân dân quan tâm. Cùng với đó, công tác dân vận của Đảng phải tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trong tình hình mới; phát huy vai trò giám sát của Nhân dân trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở cũng như việc xây dựng Đảng, chính quyền.