Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát sốt vì kim cương

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhu cầu mua kim cương ở Bắc Kinh tăng vọt kể từ tháng 5, và tháng 6 lại chính là mùa cưới nơi đây. Tất cả các đôi vợ chồng mới cưới đều muốn có được chiếc nhẫn đính viên đá lấp lánh.

KTĐT - Nhu cầu mua kim cương ở Bắc Kinh tăng vọt kể từ tháng 5, và tháng 6 lại chính là mùa cưới nơi đây. Tất cả các đôi vợ chồng mới cưới đều muốn có được chiếc nhẫn đính viên đá lấp lánh.

Nếu có ai hỏi người dân Bắc Kinh về hai điều họ cảm thấy thích thú ở Nam Phi, thì họ sẽ trả lời là World Cup và kim cương.

Với các fan bóng đá đang hò hét, nhảy múa và ca hát khi theo dõi màn trình diễn của 32 đội bóng tại World Cup những tuần vừa qua, thì Nam Phi quả thực là mối quan tâm rất lớn. Nhưng đó chỉ là sở thích tạm thời mà thôi.

Mối quan tâm lâu dài của người dân Bắc Kinh chính là việc mua kim cương và coi chúng như một tài sản để đầu tư. Nhu cầu mua kim cương ở Bắc Kinh tăng vọt kể từ tháng 5, và tháng 6 lại chính là mùa cưới nơi đây. Tất cả các đôi vợ chồng mới cưới đều muốn có được chiếc nhẫn đính viên đá lấp lánh.

Người dân Bắc Kinh coi kim cương là kênh đầu tư tốt bên cạnh thị trường chứng khoán và một số tài sản khác
Người dân Bắc Kinh coi kim cương là kênh đầu tư tốt bên cạnh thị trường chứng khoán và một số tài sản khác. Ảnh: China Daily

M&L Plaza – trung tâm buôn bán kim cương lớn nhất Bắc Kinh cho biết trong tháng 5 và tháng 6, doanh thu bán kim cương của họ đã tăng 30% so với các tháng trước. Các cửa hàng khác như Gongmei Group, Beijing Caibai và Hiersun Diamond Plaza đều ghi nhận doanh thu tăng 20% - 40%.

Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Hiersun – công ty đá quý hàng đầu Trung Quốc, việc chọn mua nhẫn kim cương cho ngày cưới ngày càng trở nên phổ biến đối với các đôi vợ chồng trẻ ở Bắc Kinh. Nghiên cứu này cũng cho thấy 80% các cặp đôi tại các thành phố lớn ở Trung Quốc đã mua nhẫn kim cương khi họ làm đám cưới.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng số lượng kim cương bán ra tăng đột biến không chỉ do nhu cầu về nhẫn cưới, mà còn vì người dân đang coi kim cương là một món hàng tốt để đầu tư.

Các nhân viên bán hàng ở M&L Plaza cho biết những người giàu có ở các tỉnh như Sơn Tây, Chiết Giang, Giang Tô và vùng Nội Mông tiêu thụ kim cương nhiều nhất. Họ đặc biệt thích mua những viên đá quý chưa được nạm vào đồ trang sức.

Li Pengcheng, Giám đốc Marketing của M&L Plaza kể: “Tôi vẫn còn nhớ rất rõ một khách hàng đến từ Sơn Tây, người đó đã mua liền một lúc 9 viên kim cương ở cửa hàng của chúng tôi và trả 3 triệu tệ tiền mặt”. Ông phỏng đoán gần đây thị trường chứng khoán và các tài sản đầu tư khác hoạt động rất uể oải, nên nhà đầu tư quyết định chuyển hướng sang các kênh khác có lợi hơn.

Qiao Haitao, Giám đốc Marketing của Popdiamond.com – một trong những website buôn bán kim cương lớn nhất Trung Quốc, cho biết vào tháng 4, một phụ nữ Bắc Kinh đã mua một viên kim cương 4 carat với giá 1,28 triệu nhân dân tệ, giao dịch có giá trị lớn nhất cả nước tại thời điểm đó. Người phụ nữ này tên là Yang và làm việc trong ngành tài chính. Cô Yang sau đó cũng tham gia một buổi phỏng vấn của kênh truyền hình CCTV và nói rằng việc mua bán này rất có lợi cho cô, vì: “Trong tương lai, nếu tôi thế chấp viên kim cương này, nó sẽ được tính theo giá thị trường, và cái giá đó có thể cao hơn nhiều so với số tiền mà tôi đã bỏ ra để mua nó”.

Một khách hàng đang thử đôi hoa tai kim cương tại triển lãm đám cưới ở Bắc Kinh.
Một khách hàng đang thử đôi hoa tai kim cương tại triển lãm đám cưới ở Bắc Kinh. Ảnh: China Daily

Theo thống kê của Hiệp hội Buôn bán trang sức và đá quý Trung Quốc, năm ngoái, tổng giá trị kim cương bán ra ở Trung Quốc lên tới 3 tỷ USD. Con số này thậm chí còn lớn hơn cả Nhật Bản và nó đã đưa Trung Quốc lên vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng các nước nhập khẩu kim cương lớn nhất thế giới, sau Mỹ.

Hiệp hội này dự đoán việc mua kim cương để đầu tư (thường là những viên nặng hơn một carat) rất có thể sẽ tăng 40% trong năm nay. Họ cũng ước tính rằng sẽ có hơn 100.000 viên kim cương nặng hơn một carat được bán ra tại Trung Quốc trong năm nay.

Có một vài lý do giải thích tại sao các nhà đầu tư Trung Quốc lại thích thú với kim cương đến vậy. Thứ nhất, nguồn cung kim cương rất hạn chế và giá kim cương cũng bắt đầu tăng lên kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra năm 2008. Theo thống kê của PolishedPrices – một nhà cung cấp thông tin về kim cương quốc tế, vào giữa tháng 6, giá kim cương đã vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2008, và hiện nó đã cao hơn 9% so với đầu năm và hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

De Beers – công ty kim cương lớn nhất thế giới cho biết nguồn cung kim cương có thể sẽ giảm dần trong tương lai vì có rất ít mỏ được phát hiện thêm trong vòng 20 năm qua.

Shiao Zengyi, chuyên gia phân tích kim cương tại Trung tâm giao dịch trang sức quốc tế Bắc Kinh cho biết: “Vì nguồn cung sẽ giảm trong 5 năm tới, nên giá kim cương chắc chắn sẽ tăng ít nhất 5% mỗi năm”.

Tuy nhiên, cũng có một số rủi ro tiềm tàng đối với những người đầu tư vào kim cương. So với các nước có thị trường kim cương minh bạch và linh hoạt, các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ cảm thấy thực sự khó khăn khi bán kim cương trong nước vì kênh buôn bán như vậy ở Trung Quốc gần như không có.

Hiện tại, có rất ít các trung tâm đấu giá tổ chức các buổi giao dịch kim cương. Và nếu các nhà đầu tư mang đá quý đến các hiệu cầm đồ, thì họ chỉ nhận được một phần ba giá trị của nó mà thôi.

Để làm yên lòng các nhà đầu tư lo sợ về việc bán lại kim cương và cũng nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng, các cửa hàng trong nước cũng đã bắt đầu áp dụng các chương trình mua lại kim cương. M&L Plaza là nơi đầu tiên ở Bắc Kinh có chính sách mua lại kim cương do họ bán ra.