Phát triển 4 quận nội đô lịch sử:  Nâng cao chất lượng sống cho người dân

Thuỳ Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang tập trung lấy ý kiến về phương án phát triển của tất cả các sở ngành, quận, huyện trên địa bàn TP để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô. Trong đó, 4 quận lõi trung tâm đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp về định hướng phát triển trong giai đoạn tới.

Tìm cách làm mới để giải quyết các điểm nghẽn

Đánh giá về hiện trạng, đại diện Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (đơn vị tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô) cho hay, 4 quận nội thành được ví như trái tim của Thủ đô, đảm nhiệm vai trò trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, giáo dục, khoa học vông nghệ, kinh tế của TP Hà Nội và của cả nước.

Định hướng  mới phát triển 4 quận nội đô lịch sử để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô. Ảnh minh họa
Định hướng  mới phát triển 4 quận nội đô lịch sử để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô. Ảnh minh họa

Tại đây có 3 khu vực di sản lớn: Hoàng Thành, Phố cổ, Phố Pháp và hàng ngàn điểm di tích, di sản qua các thời kỳ phát triển của thủ đô và dân tộc. Sự hội tụ dân số của 4 quận nội đô là nơi hội tụ của các tầng lớp tinh hoa ưu tú, từ mọi miền đất nước đến sống hoặc làm việc, đây là tiềm năng và nguồn lực rất tốt để phát triển.

Việc sử dụng đất hỗn hợp tại khu vực này đã tạo không gian tối ưu, tích tụ kinh tế và phát triển nền kinh tế dịch vụ, tạo nhiều việc làm, không gian ở, làm việc. Nhiều tập đoàn kinh tế lựa chọn 4 quận nội đô bố trí trụ sở làm việc. Nhiều trường học và bệnh viện hiện đại, chất lượng cao, nhiều tuyến phố an ninh, hiện đại…

Tuy nhiên, khu vực này đang gặp những điểm nghẽn trong phát triển. Di sản bị đe dọa, nguy cơ biến mất hoặc lãng quên do thiếu nguồn lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Sự gia tăng phương tiện cá nhân và ùn tắc giao thông làm ô nhiễm môi trường.

Đặc biết, tiếp tục chất tải các toà nhà quy mô lớn, các hoạt động kinh tế gây hiệu ứng nhà kính. Sử dụng đất chưa phù hợp với thực tiễn phát triển. Chưa có giải pháp quy hoạch thông minh để khai thác tiềm năng của sông Hồng. Hệ thống sông hồ, công viên phấn tán, và thiếu, làm giảm chất lượng sống.

Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia Phạm Thị Nhâm cho hay, sau khi Quy hoạch chung Thủ đô được duyệt năm 2011, TP Hà Nội đã triển khai lập các quy hoạch phân khu trong đó có quy hoạch phân khu 4 quận nội đô lịch sử. Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng ban hành các quy chế quản lý khu vực quan trọng như khu vực phố cổ, khu vực Hồ Gươm, khu Hoàng Thành Thăng Long, khu chính trị Ba Đình…

Khu vực này đã có không gian và quỹ đất phát triển tương đối ổn định, đặc biệt đã có nhiều định hướng, ý tưởng phát triển nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được như giảm dân số, di dời các cơ sở sản xuất, ý tế, giáo dục ra bên ngoài, cải thiện về giao thông... Do đó, yêu cầu tìm ra những cách làm mới, đổi mới cơ chế chính sách để lồng ghép vào Luật Thủ đô hay Quy hoạch Thủ đô nhằm phát triển 4 quận này là một thách thức rất lớn.

“Trước thách thức đặt ra, rất cần tập trung trí tuệ tập thể để cùng nhau xây dựng phương án phát triển sát thực tiễn và đảm bảo các mục tiêu đặt ra là phát triển xanh, văn minh, văn hiến, hiện đại” – bà Phạm Thị Nhâm chia sẻ.

Tái thiết đô thị có sự tham gia của cộng đồng

Đề xuất ý tưởng phát triển khu vực 4 quận nội đô, đại diện đơn vị tư vấn cho biết vẫn sẽ kế thừa các định hướng của Quy hoạch chung Hà Nội tại Quyết định 1259/QĐ – TTg ngày 26/6/2011. Cụ thể, sẽ bảo tồn di sản Thăng Long và giá trị truyền thống của người Hà Nội; giảm dân từ 1,2 xuống 0,8 triệu dân; hạn chế phát triển không gian các toàn nhà cao tầng; giảm chất tải, bảo vệ di sản, môi trường và dành quỹ đất cho không gian công cộng; di dời một phần các cơ sở đào tạo, y tế, sản xuất ra ngoài nội đô.

Sơ đồ vị trí 4 quận lõi nội đô Hà Nội.
Sơ đồ vị trí 4 quận lõi nội đô Hà Nội.

Bên cạnh đó, trong quy hoạch lần này sẽ định hướng yếu tố mới, tính đột phá thông qua các giải pháp quy hoạch và quản lý đô thị thông minh có sự tham gia của cộng đồng. Trong lĩnh vực giao thông sẽ phát triển giao thông công cộng, điều phối giao thông thông minh, bãi đô xe thông minh, kiểm soát thu thuế tự động các phương tiện giao thông cơ giới trong nội đô….

Trong lĩnh vực bảo tồn di sản, khuyến khích giới trẻ tham gia các hoạt động đổi mới sáng tạo trong không gian di sản; cải tạo cảnh quan tuyến phố, thiết kế đô thị, phát triển những không gian nghệ thuật cộng đồng, mở rộng không gian phố đi bộ xung quanh Hồ Gươm và khu phố cổ, phát triển không gian giao lưu văn hóa nghệ thuật trong các công trình di sản.

Chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu áp dụng mô hình đô thị 15 phút có sự tham gia của cộng đồng. Trong mỗi khu dân cư có đủ các tiện ích hạ tầng xã hội hiện đại, dịch vụ đô thị, ga tàu điện… kiến tạo nên nhiều không gian sống chất lượng cao, không gian sống hạnh phúc trong 4 quận nội đô lịch sử.

Đặc biệt, tái thiết không gian ven sông Hồng theo hướng không gian mở, dịch vụ đô thị để kéo các hoạt động của đô thị ra với cạnh biên này, hình thành đô thị ven sông đúng nghĩa.

Đề cập đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu góp ý, TP quan tâm quy hoạch, định hướng về sản phẩm, điểm đến, tuyến du lịch cho khu vực bãi giữa và 2 bên bờ sông Hồng, vì đây là khu vực có tiềm năng lợi thế rất lớn để phát triển du lịch. TP đã đồng ý giao UBND 4 quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình, Long Biên nghiên cứu lập đề án phát triển công viên văn hóa ở khu vực bãi giữa và hai bên bờ sông Hồng. Do đó, cần có sự khớp nối giữa cơ đơn vị tư vấn và chính quyền 4 quận trong vấn đề này.

Về quan điểm tại khu vực này, Sở Du lịch đề xuất nghiên cứu quy hoạch toàn bộ khu vực bãi giữa và hai bên sông Hồng thành một khu vực công viên văn hóa, đa chức năng kết hợp với mô hình công viên rừng trong lòng TP, có thể phát triển các khu vực chuyên biệt để phát triển các sản phẩm du lịch mới như bay khinh khí cầu, bay dù lượn…  

Trong khi đó, TS Nguyễn Đình Dương – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội nhấn mạnh, với tính chất đặc biệt của 4 quận nội đô lịch sử là trung tâm chính trị,  trung tâm hành chính, đối ngoại thì việc phát triển các sản phẩm du lịch như bay dù lượn, khinh khí cầu, casino… tại khu vực này cần cân nhắc kỹ.

 

 

Với vai trò, vị thế quan trọng 4 quận khu vực nội đô lịch sử không chỉ là “trái tim” mà còn là “khối óc”, “lá phổi” khi quyết định tốc độ tăng trưởng cũng như nét hấp dẫn của toàn TP Hà Nội. Do đó, từng quận cần được tách riêng, phân tích kỹ, cụ thể từng tiềm năng, thế mạnh để có định hướng phát triển trong giai đoạn tới.

KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam