Phát triển bền vững cây xanh, mặt nước: Nâng chất lượng sống cho người dân

Vân Hằng – Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xây dựng, phát triển hệ thống mặt nước, công viên cây xanh được coi là biện pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đô thị.

Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại hội thảo “Giải pháp bảo vệ, phục hồi và phát triển hệ thống cây xanh - mặt nước TP Hà Nội đáp ứng mục tiêu quy hoạch và tạo bản sắc đô thị”, tổ chức sáng 13/1.
Tăng nhanh diện tích xanh

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu trở thành một TP xanh – văn hiến - văn minh hiện đại. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, đây là lý do chính để chính quyền TP quyết tâm triển khai thực hiện Chương trình trồng mới một triệu cây xanh trong giai đoạn 2016 - 2020. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP cũng nêu quan điểm, phát triển cây xanh, mặt nước là yếu tố bắt buộc đối với nhiều đô thị trên thế giới và Hà Nội cũng vậy. Với mục tiêu trồng mới một triệu cây, sau 5 năm Hà Nội sẽ có 15 - 20 triệu mét vuông diện tích xanh, vừa tạo cảnh quan, môi trường xanh, sạch không khí vừa đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của người dân về tăng diện tích cây xanh, mặt nước.

Hệ thống cây xanh nhiều tầng trên đường Võ Nguyên Giáp.  Ảnh: Phạm Hùng

Để chương trình trồng mới một triệu cây xanh đến năm 2020 đạt hiệu quả, TP đã phối hợp nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư, đóng góp. Trên cở sở vừa thí điểm, vừa trồng, làm đến đâu rút kinh nghiệm đến đó. Mặt khác, TP Hà Nội sẽ đưa việc giáo dục ý thức giữ gìn cây xanh, hồ nước vào trong giảng dạy ở một số cấp học. Đồng thời, vận động người dân tham gia cuộc "cách mạng" trồng cây xanh, yêu cây, yêu hoa trở thành TP xanh trong tương lai. Bên cạnh đó, thực hiện chương trình làm sạch ô nhiễm ao hồ, đào thêm hồ mới, phục vụ chương trình cảnh quan không gian mới; quy hoạch hai bên bờ sông Hồng.

Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nhìn nhận, việc quy hoạch lại hệ thống cây xanh, chăm sóc, cải tạo hệ thống cây xanh trên đường phố, thay thế, chặt tỉa… là những hoạt động tích cực trong kế hoạch bảo vệ, phục hồi, bảo tồn và phát triển hệ thống cây xanh, phù hợp với quy hoạch và tạo bản sắc đô thị. Trong quy hoạch phát triển hạ tầng, TP luôn đặt mục tiêu tăng tỷ lệ cây xanh để cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Điều này làm cho Thủ đô Hà Nội đã có những thay đổi tích cực về cảnh quan đô thị và cải thiện môi trường. Việc thống nhất về chủng loại, mỗi khu phố khác nhau có một loài cây hay nhóm loài cây khác nhau để tạo nét đặc trưng, tạo lập hệ thống cây xanh đồng bộ, đa dạng sinh học đã, đang và sẽ tiếp tục được thực hiện với mục tiêu xây dựng Thủ đô là một TP xanh - sạch - đẹp.

Giải pháp bảo vệ mảng xanh bền vững

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo nhìn nhận của một số chuyên gia, tỷ lệ đất cây xanh, mặt nước, công viên ở Hà Nội so với quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện vẫn còn rất thấp. Quá trình đô thị hóa cùng với mật độ xây dựng cao, các khu đô thị mới thiếu vắng các không gian công cộng như quảng trường, vườn dạo, vườn hoa, công viên, cây xanh… đã làm cho chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị suy giảm.

Trước thực trạng này, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng, TP Hà Nội cần thiết phải đánh giá lại công tác quy hoạch cây xanh trong đô thị. Theo đó, quy hoạch cây xanh phải được Hà Nội xem là một thành phần không thể thiếu trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị. Đặc biệt, cần gắn thiết kế cây xanh đô thị với công tác thiết kế đô thị để tạo nét đặc trưng tại các tuyến phố đô thị trung tâm, trục đường giao thông hay các đô thị mới, kiểm soát các chỉ tiêu mật độ xây dựng và cây xanh theo quy chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, hệ thống hồ cần được nghiên cứu theo định hướng tạo cảnh quan và điều hòa thoát nước, đặc biệt là sự kết nối điều hòa giữa các hồ thuộc đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái.

Đáng chú ý, các chuyên gia, nhà khoa học đều cho rằng để công tác quy hoạch, bảo vệ và bảo tồn cây xanh - mặt nước của Hà Nội đạt được sự bền vững rất cần có sự tham gia của cộng đồng. Nhằm tăng diện tích cây xanh, mặt nước, bên cạnh nguồn lực của Nhà nước thì TP cũng cần đẩy mạnh hơn nữa sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc đầu tư cải tạo hồ nước, trồng mới cây xanh.

Nhìn nhận về vấn đề trên, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội Vũ Kiên Trung cho rằng, TP cần có chính sách kêu gọi các nhà đầu tư, đầu tư vào hệ thống công viên cây xanh, kết hợp với các dịch vụ vui chơi, giải trí. Đối với việc nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ cây xanh, mặt nước, tạo không gian sống xanh, sạch đẹp, ông Vũ Kiên Trung đề xuất, Hà Nội cần vận động toàn thể các tầng lớp Nhân dân Thủ đô thực hiện trồng và bảo vệ cây xanh đô thị bằng những hành động việc làm thiết thực như chăm sóc, bảo vệ cây xanh trước cửa nhà mình, trang trí nhà cửa nội thất, mặt tiền bằng các cây xanh, cây hoa, cây cảnh.

Đồng quan điểm này, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam Trương Văn Quảng cho rằng, Hà Nội cần có quy hoạch cây xanh đô thị nói chung, cây xanh các tuyến đường nói riêng. Trong đó việc duy trì, bảo tồn các tuyến phố cũ trồng cây xanh đã có thương hiệu, bản sắc, phát triển cây xanh trên các tuyến phố mới… được công bố một cách công khai, rõ ràng, minh bạch để cộng đồng dân cư cùng có trách nhiệm, bình đẳng quan tâm.
Chương trình trồng mới một triệu cây xanh đã được TP Hà Nội nghiên cứu kỹ và hiện đang được thực hiện trên tiêu chí 3Đ: Đồng bộ, Đồng đều và Đa dạng. Đồng đều về kích thước, chiều cao cây (7 - 8m), khoảng cách trồng cây (6 - 7m). Đồng bộ về chủng loại và đa dạng về cách trồng cây xanh theo tầng: Tầng cao là cây bóng mát, ở giữa là tầng cây bụi và cuối cùng là tầng thảm cỏ, cây lá rực rỡ màu sắc. Cây trồng trên địa bàn TP không chỉ mang bóng mát, đẹp về cảnh quan mà còn phải đáp ứng ít gẫy đổ, giảm bụi, hạn chế tiếng ồn, quanh năm ra hoa.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Tôi đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch UBND TP Hà Nội trong việc thực hiện Chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh tại Thủ đô. Việc này không những góp phần cải thiện môi trường sống cho người dân Hà Nội mà còn đảm bảo định hưởng không gian quy hoạch. 
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh