Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển các dự án cầu cạn giúp giảm phụ thuộc vật liệu nền

Thành Luân - Thanh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 8/6, Tạp chí Xây dựng phối hợp với Hội Bê tông Việt Nam (VCA) và những đơn vị thành viên của VCA đã tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề: “Các giải pháp kết cấu bê tông cho đường cao tốc trên cao”.

Các chuyên gia tại hội thảo trực tuyến.
Các chuyên gia tại hội thảo trực tuyến.

Phát biểu khai mạc, Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Nguyễn Thái Bình cho biết, hiện nay, việc thiếu hụt vật liệu làm nền đường khiến cho phương án làm đường trên đất đắp, tuy được cho là ít chi phí đầu tư ban đầu hơn nhưng triển khai thực tiễn tại nhiều dự án đang gặp nhiều trở ngại, khó khăn, khó đảm bảo tính khả thi…

Bên cạnh đó, trong nhiều tình huống, việc đầu tư xây dựng đường ô tô, đường cao tốc, sử dụng giải pháp cầu cạn hầu như là phương án duy nhất để bảo đảm phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Có thể kể đến một số trường hợp điển hình đã và đang được triển khai đầu tư xây dựng cầu cạn, như: Cầu đi qua đô thị có nhiều điểm giao cắt (cầu cạn Vành đai 2, Vành đai 3 Thủ đô Hà Nội); Cầu đi qua khu bảo tồn thiên nhiên để không chia cắt môi trường sống của động vật hoang dã (đường Hồ Chí Minh đi qua Vườn quốc gia Cúc Phương, qua Rừng Sác tại huyện Cần Giờ - TP Hồ Chí Minh); Cầu đi qua rừng ngập mặn của cao tốc Vân Đồn - Móng Cái tỉnh Quảng Ninh…); Cầu đi qua khu vực nền đường đắp trên đất yếu để đảm bảo ổn định nền đường, giảm phụ thuộc vào vật liệu đắp nền (các tuyến đường trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long)…

Đáng chú ý, trong hầu hết các trường hợp, phương án thiết kế cầu cạn thông thường là sử dụng nhịp giản đơn với các dầm cầu được đúc sẵn, có tên rất phổ biến là dầm Super T. Tuy nhiên, phương án truyền thống này cũng bộc lộ một số hạn chế như: Chiều dài nhịp ngắn, dầm kích thước lớn và không bảo đảm tính thẩm mỹ, đặc biệt là trong khu vực đô thị; với kích thước kết cấu nhịp không được tối ưu dẫn đến chi phí xây dựng cao...

Tại hội thảo, các chuyên gia trong ngành cho rằng, phương án cao tốc trên cao là một phương án giải quyết cùng một lúc các thách thức địa hình thấp, nền đất yếu, thiếu cát xây dựng, ngập vì sụt lún, vì nước biển dâng, không cản trở thoát lũ, ít phá hỏng cánh quan sinh thái, đảm bảo sinh kế cho người dân, đáp ứng các yêu cầu về đánh giá tác động môi trường...

Ưu điểm vượt trội của phương án cầu cạn so với phương án đắp nền như giảm đáng kể diện tích chiếm dụng mặt bằng; Đảm bảo thông thoáng, không chia cắt các khu vực sx nông nghiệp, các cánh đồng mẫu lớn; Không bị ảnh hưởng tiến độ xây dựng do thiếu vật liệu đắp nền, phải đắp chờ lún cố kết; Phân bổ phù sa, trầm tích đồng đều cho cả ĐBSCL, không ngăn thoát lũ, ngăn bồi tích...