70 năm giải phóng Thủ đô

Phát triển cây mắc ca: Tránh chuyện “nay trồng, mai chặt”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 7/4, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đã thông tin thêm một số vấn đề liên quan tới “Quy hoạch phát triển cây mắc ca vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đến năm 2020, tiềm năng phát triển đến năm 2030” vừa được Bộ NN&PTNT phê duyệt hôm 5/4.

Theo đó, thay vì mở rộng diện tích lên tới 200.000ha như kỳ vọng ban đầu, Bộ NN&PTNT chỉ quy hoạch trồng khoảng gần 10.000ha ở Tây Bắc và Tây Nguyên. Lý giải về việc này, ông Tuấn cho rằng, quy hoạch mắc ca đã được làm một thời gian tương đối dài, quá trình làm rất là thận trọng để đảm bảo có căn cứ khoa học. Mắc ca là cây dài ngày, mới nhập vào Việt Nam và lại là cây trồng mục đích là lấy hạt để làm sản phẩm, làm thực phẩm. 

Do vậy phải có một xem xét toàn diện từ kết quả khảo nghiệm để khẳng định sự phù hợp điều kiện thổ nhưỡng đất đai của những vùng miền với sinh trưởng, phát triển của cây. Đồng thời tính đến quá trình từ thu hoạch, chế biến, bảo quản để đảm bảo chất lượng của thực phẩm cũng như phải nghiên cứu thị trường đảm bảo phát triển bền vững, hiệu quả nhất. “Chúng ta đã có nhiều bài học kinh nghiệm từ quy hoạch những cây khác, tránh được chuyện nay trồng mai chặt gây thiệt hại cho bà con nông dân” – ông Tuấn cho hay.

Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, vì mắc ca trồng để lấy hạt làm thực phẩm nên không chỉ đơn thuần là trồng cây mắc ca sinh trưởng phát triển tốt, có quả mà phải đi liền với thu hoạch, chế biến, bảo quản để cho hạt mắc ca vẫn đảm bảo được chất lượng. 

Hiện nay chúng ta đã có những bài học rất rõ của thế giới như ở Austraylia trồng mắc ca có thể bán được với giá nhân khô 3 - 4 USD/1kg nhưng nhiều nước ở Châu Phi chỉ bán được 1 - 1,5USD. Nhiều nhà khoa học cho rằng, nếu như hạt mắc ca giá khoảng 1,4 - 1,5 USD thì sẽ không còn lãi. Bởi vậy, phải làm sao đó tổ chức liên kết giữa các DN, DN với nông dân, đảm bảo người nông dân thu hoạch xong sẽ được đưa vào chế biến ngay để giữ được chất lượng sản phẩm.

Như Kinh tế & Đô thị đã đưa, hôm 5/4, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt “Quy hoạch phát triển cây mắc ca vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đến năm 2020, tiềm năng phát triển đến năm 2030”.

 Theo đó, đến năm 2020, diện tích trồng cây mắc ca vùng Tây Bắc và Tây Nguyên là 9.940ha, trong đó vùng trồng tập trung là 2.350ha và trồng xen với cây trồng khác khoảng 7.590ha, chủ yếu là trồng xen trong diện tích cà phê, chè… Đến năm 2030, dự kiến diện tích trồng mắc ca sẽ tăng lên là 34.500ha, gồm 7.000ha trồng tập trung và 27.500ha trồng xen.