Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao: Hướng đi phù hợp, hiệu quả

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hai năm triển khai, Kế hoạch Phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2019 - 2020 bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực, nâng cao thu nhập cho người dân, khẳng định được hướng đi đúng đắn của ngành chăn nuôi.

Hộ ông Nguyễn Chí Nhị ở khu 3, Minh Châu, Ba Vì hiện đang chăn 12 con bò cao sản.
Hiệu quả kinh tế cao
Những năm qua, Hà Nội đã thành công trong việc cải tạo đàn bò cái nền và lai tạo ra giống bò cao sản. Để nâng cao chất lượng đàn bò, TP đã đưa các giống bò mới vào chăn nuôi như Wagyu, BBB, Droughmaster... cho hiệu quả kinh tế cao và chất lượng thịt ngon hơn. Đặc biệt, năm 2019, TP đã phê duyệt Kế hoạch phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao giai đoạn 2019 - 2020. Sau hai năm triển khai, chương trình đã cho hiệu quả bước đầu. Hiện nay, cơ cấu giống bò của Hà Nội có 65% bò lai Zebu, 30% bò lai hướng thịt (Angus, Droughmaster, Wagyu. BBB…), bò vàng địa phương 5%. Công tác phát triển giống theo 3 nhóm chiến lược chuyên thịt, chuyên thịt chất lượng cao, kiêm dụng.

Là một trong những hộ tham gia vào chương trình, anh Nguyễn Bá Anh ở khu 5, xã Minh Châu, huyện Ba Vì cho biết: "Tham gia vào mô hình, tôi được tiếp `cận với tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi bò thịt cao sản, được tập huấn để chăn nuôi theo phương thức thâm canh tăng năng suất, mang tính sản xuất hàng hóa. Đặc biệt, việc chuyển sang nuôi giống bò cao sản cho hiệu quả cao hơn nhiều so với giống bò cỏ truyền thống. Nếu như trước đây, bò truyền thống cho lãi 5 - 6 triệu đồng/năm thì giống bò cao sản cho lãi 8 - 10 triệu đồng/con. “Hiện, gia đình tôi đang nuôi 28 con bò, trong đó có 4 con Wagyu. Nhờ phát triển chăn nuôi bò chất lượng cao, gia đình tôi có thu nhập 250 – 300 triệu đồng/năm” – anh Bá Anh cho hay.

Cũng tham gia vào chương trình, hộ ông Nguyễn Chí Nhị ở khu 3, xã Minh Châu, huyện Ba Vì hiện đang chăn 12 con bò chất lượng cao. Đặc biệt bê cái F1 Wagyu của gia đình ông đã sinh sản được 2 bê con. Ông Nhị đánh giá, khả năng sinh sản của bê F1 Wagyu tương đối tốt. Động dục sớm ở 13 - 15 tháng tuổi. Bê sơ sinh có khối lượng bình quân đạt 20 - 27 kg/con, có ngoại hình đẹp, khỏe mạnh, phàm ăn, thích nghi với điều kiện chăn nuôi tại Hà Nội.

Thị trường tiềm năng

Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội, ông Hoàng Kim Vũ cho biết, ngoài nâng cao thu nhập cho người dân, thông qua chương trình còn góp phần tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi Hà Nội, hướng tới phát triển bền vững. Mặt khác, góp phần nâng cao sức cạnh tranh ngành hàng thịt bò trên thị trường, giảm nhập khẩu thịt bò, hình thành và phát triển các chuỗi khép kín và chuỗi kiên kết trong chăn nuôi.

Trên thực tế, hiện nay sản lượng thịt bò của Hà Nội hàng năm mới chỉ sản xuất ra được khoảng 10 tấn. Vì vậy, mỗi năm phải nhập khẩu khoảng gần 40.000 tấn thịt bò các loại. Trước hàng loạt vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) hiện nay, thói quen của người tiêu dùng đã dần thay đổi. Nhiều người chấp nhận mua sản phẩm với giá cao, miễn là hàng hóa phải có chất lượng tốt, đáng tin cậy. Do đó, các “cường quốc bò thịt” như Úc, Mỹ, Hàn Quốc… vào thị trường Việt Nam với chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh đã chiếm lĩnh được thị phần. Điềiu đó cho thấy, tiềm năng của sản phẩm này trong nước còn rất lớn. Tuy nhiên, sản phẩm thị bò trong nước muốn tiêu thụ được phải nâng cao chất lượng, tuân thủ các quy định về ATVSTP. Để không bị "thua ngay trên sân nhà", người chăn nuôi phải thay đổi cách nghĩ, cách làm và phương pháp quản lý.

Chia sẻ về kế hoạch cải tạo chất lượng đàn bò trong thời gian tới, ông Hoàng Kim Vũ cho biết, để tiếp tục nâng cao năng suất sinh sản và chất lượng bê giống, Trung tâm Phát triển Nông nghiệp tiếp tục đề xuất Kế hoạch Phát triển đàn bò cái nền sử dụng tinh Senepol trong công tác sản xuất giống bò thịt trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Senepol là giống bò kiêm dụng theo hướng thịt sữa. Bò chịu được kham khổ, kháng được một số loại ngoại ký sinh trùng, có sức kháng bệnh cao, khả năng gặm cỏ tốt, bản tính ôn hoà, chịu nhiệt tốt nên phù hợp với việc chăn thả trên đồng cỏ. Việc sử dụng tinh bò Senepol phối với đàn bò cái nền lai Zebu hiện có để tạo ra con lai ưu thế và dần dần thay thế đàn bò cái sinh sản lai Zebu bằng đàn cái lai có 50 - 70% máu Senepol. Đây là hướng đi đúng đắn và phù hợp với định hướng và quy hoạch tổng thể phát triển ngành chăn nuôi TP Hà Nội.