Môi trường trong chăn nuôi là vấn đề cấp bách
Chia sẻ tại Diễn đàn “Kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi: Cơ hội và thách thức” do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 21/3, TS Võ Trọng Thành, đại diện Cục Chăn nuôi, cho biết phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn là việc triển khai các loại hình, phương thức, công nghệ chăn nuôi gắn với giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, hạn chế phát thải đầu ra; xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi làm đầu vào cho trồng trọt, chăn nuôi thủy sản và lâm nghiệp.
Theo TS Võ Trọng Thành, trong định hướng phát triển nông nghiệp, chăn nuôi phải gắn với trồng trọt và các ngành khác để hình thành chuỗi kinh tế tuần hoàn. Chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp là nguồn tài nguyên quý cần khai thác hiệu quả. Việc xử lý và tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
“Phát triển kinh tế tuần hoàn là thể hiện trách nhiệm của Quốc gia trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu…”
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà
Thời gian qua, ngành chăn nuôi ghi nhận bước tăng trưởng mạnh về đàn vật nuôi và sản lượng vật nuôi. Hiện, số lượng đàn lợn cả nước đạt hơn 28,8 triệu con, đàn trâu bò đạt hơn 8,9 triệu con, đàn gia cầm đạt 533 triệu con. Sản lượng thịt, trứng, sữa cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Giá trị toàn ngành chăn nuôi năm 2022 đạt khoảng 23,7 tỷ USD.
“Với xu hướng tăng trưởng như hiện nay, số lượng đàn vật nuôi lớn sẽ có tác động nhất định đối với môi trường. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để chúng ta có thể xử lý được vấn đề môi trường trong chăn nuôi đang rất cấp bách hiện nay…” - TS Võ Trọng Thành nói.
Ở khía cạnh liên quan, TS Nguyễn Anh Phong - Giám đốc Trung tâm Thông tin thuộc Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT), cho rằng đối với phát triển và nhân rộng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức, nhất là về nhận thức.
Theo ông Phong, nhận thức đối với kinh tế tuần hoàn tại quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ ở nông thôn, các hợp tác xã nhìn chung còn sơ khai, tâm lý ngại rủi ro; mức đầu tư cho các mô hình tái chế lớn, trong khi khung luật pháp hiện nay cũng chưa hoàn thiện…
Giải pháp nào cho chăn nuôi tuần hoàn?
Trên cơ sở phân tích những hạn chế trên, TS Nguyễn Anh Phong đã đưa ra một số khuyến nghị giải pháp. Theo đó, cần xây dựng hành lang pháp lý và tiêu chuẩn hóa kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp. Tập trung vào hoàn thiện cơ chế chính sách để đưa ra quy chuẩn sản xuất và thương mại hóa.
Đặc biệt, cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các đối tượng doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất áp dụng công nghệ về kinh tế tuần hoàn. Thúc đẩy liên kết, hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong nước và quốc tế.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và môi trường (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Giang Thu, các nhiệm vụ về khoa học công nghệ trong nông nghiệp ở Việt Nam cần tiến tới nâng cao nhận thức, vai trò, hiệu quả của các mô hình; hoàn thiện cơ chế và hình thành các cơ chế thúc đẩy đẩy mạnh sản xuất, hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn.
“Để phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi, cần phát triển nguồn nhân lực ngành chăn nuôi; mở rộng thị trường sản phẩm được sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn, và tổ chức triển khai, nhân rộng các mô hình có hiệu quả…” - bà Nguyễn Giang Thu chia sẻ thêm.
Đề cập về một số giải pháp phát triển chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn đến năm 2030, TS Võ Trọng Thành cho rằng việc cần làm trước tiên vẫn là hoàn thiện về cơ chế, chính sách; hoàn thiện hệ thống pháp luật về tái chế, tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, nghiên cứu khoa học công nghệ, khuyến nông chăn nuôi cần được đẩy mạnh; gắn với triển khai các dự án ưu tiên như sản xuất phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi, nuôi côn trùng xử lý chất thải chăn nuôi, sản xuất khí sinh học từ chất thải chăn nuôi lợn...
“Kinh tế tuần hoàn là nền tảng của phát triển bền vững, của kinh tế xanh. Chính vì vậy, chúng ta không nên tách bạch nhiều quá. Kinh tế tuần hoàn là kết quả của mô hình sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tuần hoàn. Các mô hình này không bị trói buộc bởi 1 khuôn mẫu nên tìm tiêu chí, quy định cứng nhắc cho mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ là rào cản khiến cho tính lan tỏa hạn chế…”
Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam Hà Văn Thắng