Sản phẩm được TP Hà Nội cấp sao OCOP của hợp tác xã Sản xuất tinh bột nghệ và tinh dầu Bà Bé (huyện Gia Lâm). Ảnh: Trọng Tùng |
Đóng góp hơn 280 sản phẩm OCOP
Trên địa bàn Hà Nội hiện có 1.097 HTX nông nghiệp đang hoạt động. Kết quả đánh giá, phân loại mới nhất của các quận, huyện, thị xã cho thấy, 180 HTX hoạt động tốt (chiếm 17,91%), 360 HTX vận hành khá (chiếm 35,82%); còn lại là các HTX hoạt động với chất lượng trung bình và yếu. Các HTX nông nghiệp được coi là đầu tàu trong việc cung ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu, tiếp thị sản phẩm, hỗ trợ đắc lực cho nông dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập. Các HTX cũng đóng vai trò quan trọng trong tổ chức sản xuất.
Theo thống kê, toàn TP hiện có 73 HTX tham gia vào chuỗi liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, hàng hóa. Khoảng 50 HTX đang có những bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, các HTX còn tham gia tích cực vào Chương trình OCOP của Hà Nội. Tính từ năm 2019 đến tháng 6/2021, đã có 64 HTX phát triển được 282 sản phẩm OCOP, được UBND TP đánh giá, phân hạng. Trong đó, 143 sản phẩm được chứng nhận 3 sao, 138 sản phẩm đạt 4 sao và 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Tiếp tục củng cố, đổi mới hoạt độngĐóng góp của các HTX đối với phát triển kinh tế nông nghiệp nói chung, Chương trình OCOP nói riêng thời gian qua là rất tích cực. Tuy nhiên, hoạt động của các HTX, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp thực tế còn nhiều khó khăn. Có thể kể tới là việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, đặc biệt là bảo quản, chế biến sâu. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế. Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Cùng với đó, nhận thức về việc phát triển HTX của một số cán bộ, thành viên HTX và người dân còn chưa đầy đủ. Cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp chưa đồng bộ, sát thực tiễn, nhất là các chính sách về đất đai, tín dụng...Trong giai đoạn tới, việc củng cố, kiện toàn, đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, đẩy mạnh phát triển HTX vẫn sẽ là nhiệm vụ được Hà Nội chú trọng. Theo đó, Hà Nội cũng sẽ tập trung nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nhân lực cho lao động nông thôn như dạy nghề, truyền nghề. Tập huấn nâng cao năng lực sản xuất cho lao động tại các làng nghề, ngành nghề nông thôn. Đẩy mạnh khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, thúc đẩy cơ giới hóa trong phát triển nông nghiệp...Để các HTX đóng góp hiệu quả cho Chương trình OCOP năm 2021 cũng như giai đoạn tiếp theo, Hà Nội đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ ngành xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định phân loại HTX theo Thông tư 09/TT-BNNPTNT, tránh chồng chéo với Thông tư số 01/2020/TT-BKHĐT của Bộ KH&ĐT. Đồng thời, tham mưu văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định số 1840/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 - 2025.