Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển Chương trình OCOP Hà Nội: Quản chặt chất lượng, không chạy theo số lượng

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2022, Hà Nội phấn đấu có thêm ít nhất 400 sản phẩm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được UBND TP công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Bên cạnh số lượng, chất lượng sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng được Hà Nội đặc biệt quan tâm.

Người dân tham quan, mua sắm tại hội chợ kết nối giao thương sản phẩm OCOP đang tổ chức ở Trung tâm thương mại khu đô thị Vincom Royal City (quận Thanh Xuân). Ảnh: Trọng Tùng
Người dân tham quan, mua sắm tại hội chợ kết nối giao thương sản phẩm OCOP đang tổ chức ở Trung tâm thương mại khu đô thị Vincom Royal City (quận Thanh Xuân). Ảnh: Trọng Tùng

Vào cuộc tích cực

Thực hiện Kế hoạch số 145/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về thực hiện Chương trình OCOP năm 2022, ngay từ đầu năm, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã phối hợp với UBND các quận, huyện thị xã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền. Từ đó nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình OCOP đến các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là những chủ thể sản xuất - kinh doanh.

Văn phòng Điều phối đã triển khai chương trình bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thực hiện Chương trình OCOP từ TP đến cơ sở theo khung đào tạo tại Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến, đến hết năm 2022, sẽ có tổng số 120 lớp được tổ chức tại 30 quận, huyện, thị xã, dành cho các nhà quản lý tổ chức kinh tế (CEO), hợp tác xã, trang trại, hộ sản xuất - kinh doanh…

TP Hà Nội đã hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhận diện và quảng bá thương hiệu. Trong năm 2021, chính sách hỗ trợ quản lý nhãn hiệu và in tem, nhãn sản phẩm OCOP được TP thực hiện rộng khắp. Công tác này đang được Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội tiếp tục triển khai trong năm 2022.

Cùng với Văn phòng Điều phối, các quận, huyện, thị xã cũng chủ động, tích cực hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm OCOP. Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Tuấn Hà cho biết, năm 2022, địa phương bố trí 3 tỷ đồng hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm. Ngoài chi phí phân tích chất lượng, in ấn tem, nhãn, huyện hỗ trợ chủ thể duy trì hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR Code truy xuất nguồn gốc và xây dựng - quản lý nhãn hiệu…

Quản chặt chất lượng

Với sự hỗ trợ của TP, từ đầu năm 2022 đến nay, các chủ thể trên địa bàn 26 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng kế hoạch hoàn thiện và đăng ký tổng số 488 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình OCOP vào cuối năm nay. Trong số này có 301 mặt hàng thực phẩm, 129 sản phẩm thủ công mỹ nghệ; còn lại là sản phẩm thuộc nhóm ngành hàng đồ uống, thảo dược, vải và may mặc…

Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết con số đăng ký của các địa phương hiện nay đang vượt 88 sản phẩm so với mục tiêu ban đầu là 400 sản phẩm mà TP đề ra. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy sức lan tỏa của Chương trình OCOP đã đến được với đông đảo các tầng lớp Nhân dân. Dù vậy, ông Nguyễn Văn Chí cho rằng, chưa thể vội vui mừng với số lượng đăng ký lớn. “Năm 2021, TP Hà Nội đã thành lập đoàn liên ngành, tiến hành kiểm tra 41 chủ thể với 334 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 sao trở lên. Kết quả vẫn cho thấy một số vấn đề cần khắc phục…” - ông Chí cho biết.

Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội cũng nhấn mạnh: Ngay từ những ngày đầu triển khai thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, TP đã chủ trương “không chạy theo số lượng”. Do đó, việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP để trình UBND TP phê duyệt, công nhận thời gian tới vẫn sẽ được thực hiện gắt gao.

Cùng với phát triển về số lượng sản phẩm OCOP, năm 2022, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu UBND TP thành lập đoàn kiểm tra đối với các chủ thể có sản phẩm đã được công nhận từ 3 sao trở lên; đồng thời, xây dựng kế hoạch để đánh giá, phân hạng lại sản phẩm OCOP sau 36 tháng theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ.

 

Lũy kế từ năm 2019 đến nay, Hà Nội đã có 1.649 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng từ 3 sao trở lên. Trong số này có 4 sản phẩm 5 sao, 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã được T.Ư đánh giá, 11 sản phẩm có tiềm năng 5 sao đang chờ Bộ NN&PTNT xem xét, thẩm định hồ sơ. Bên cạnh đó là 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm OCOP 3 sao.