Phát triển công nghiệp văn hóa: Chiến lược đúng đắn, dần đi vào thực chất

Thanh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển công nghiệp văn hóa, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã xác định phát triển công nghiệp văn hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Ngay sau Nghị quyết này, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chính phủ xác định, nền công nghiệp văn hóa Việt Nam có 12 ngành chủ chốt: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa. Chiến lược đã đặt mục tiêu doanh thu công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP vào năm 2020 và tăng lên 7% vào năm 2030. Tuy nhiên phải thừa nhận 12 nhóm ngành phát triển công nghiệp văn hóa còn chưa được như kỳ vọng, còn đang loay hoay tìm đường.
Biểu diễn múa rồng ở phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm (ảnh trước dịch Covid-19). Ảnh: Duy Linh
“Năm 2019, Báo cáo quốc gia thực hiện Công ước về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa của UNESCO đã xác nhận, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 3,61% GDP, cao hơn so với dự tính trong Chiến lược. Điều đó chứng minh đường hướng của Chiến lược là đúng đắn, đặc biệt là việc xác định các ngành công nghiệp văn hóa chủ chốt. Hứa hẹn tương lai đóng góp 7% GDP của các ngành công nghiệp văn hóa vào năm 2030 là khả thi, quyết định công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết.

Không thể phủ nhận công nghiệp văn hóa tại Việt Nam đã và đang có nhiều khởi sắc nhất định, nhờ áp dụng tiến bộ về khoa học, công nghệ từ các nước trong khu vực và thế giới. Trong xuất bản, bên cạnh sách giấy truyền thống, người đọc Việt Nam còn có thể tiếp cận những tác phẩm được hỗ trợ công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR), ấn bản điện tử (e-book), sách nói (audio book). Công nghệ không chỉ ảnh hưởng đến thói quen đọc sách, mà còn tạo ra đột phá trong việc lựa chọn và mua sách. Trong điện ảnh, bên những tiến bộ về kỹ thuật quay, dựng phim, thực hiện kỹ xảo hay hậu kỳ; công nghệ chiếu phim hiện đại như 4DX, IMAX cũng đã có mặt tại Việt Nam và thu hút một lượng khán giả không nhỏ đến rạp. Công nghệ còn được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực tưởng chừng không cần đến công nghệ như nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật thị giác...

Công nghệ văn hóa cũng đang được một số DN có vốn đầu tư nước ngoài như Tập đoàn giải trí CJ CGV áp dụng một cách bài bản, tạo ra áp lực không nhỏ cho công nghiệp điện ảnh trong nước. Vì, cùng với việc đầu tư bài bản vào hệ thống rạp chiếu, khâu nhập khẩu và phát hành phim quốc tế, CJ CGV đang thu hút người xem Việt Nam bằng hai chiến lược khá bài bản: Ðó là "Việt hóa" các bộ phim thương mại của Hàn Quốc do CJ CGV nắm bản quyền; đồng thời tìm cách liên kết, đầu tư hoặc trở thành nhà phát hành các sản phẩm điện ảnh từ các đạo diễn, nhà sản xuất tên tuổi của Việt Nam hiện nay. Thành công CJ CGV có được tại Việt Nam là minh chứng khá rõ nét về vai trò, sự cần thiết của công nghệ văn hóa trong điện ảnh nói riêng, các nhóm ngành thuộc thị trường CCIs nói chung. Ðây cũng là một xung lực buộc ngành công nghiệp văn hóa trong nước phải thay đổi để tồn tại, nếu không muốn lần lượt bị thâu tóm bởi các tập đoàn giải trí nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng trong cuộc họp mới đây với lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị trực thuộc bộ liên quan đến công nghiệp văn hóa đã chỉ đạo: “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong những năm tới cần đẩy mạnh, đi vào thực chất, tổ chức thực hiện bài bản, khoa học, đặt mục tiêu và lộ trình cụ thể. Với quan điểm chọn việc, làm điểm, phải tạo dựng cho được một số sản phẩm công nghiệp văn hóa chủ lực để định danh, phát triển thương hiệu, dần dần có đóng góp vào nền kinh tế quốc dân”. Đó là mục tiêu của toàn ngành văn hóa Việt Nam, trong đó có Hà Nội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần