Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô: Vừa đòi hỏi bản sắc, vừa đề cao doanh thu

Hoàng Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Kế hoạch 173/KH-SVHTT triển khai chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn 2030 mà Sở VH&TT vừa ban hành, Hà Nội sẽ tập trung phát triển một số ngành có lợi thế, tiềm năng để tạo doanh thu, nhưng cũng tôn trọng những sản phẩm văn hóa mang bản sắc Hà Nội.

Mục tiêu cán mốc 5 triệu USD
Tại Kế hoạch 173, toàn TP phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa tăng dần qua từng năm, tạo nhiều việc làm, nâng cao năng lực hưởng thụ văn hóa cho người dân Thủ đô. Trong đó, ngành điện ảnh phấn đấu sản xuất một năm từ 4 đến 6 phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình. Đầu tư nâng cấp hiện đại hóa các rạp chiếu, đến năm 2020 có từ 0,8 - 1,2 triệu lượt người/năm xem phim. Ngành nghệ thuật biểu diễn đạt khoảng 5 triệu USD.
 Vở kịch 'Những người con Hà Nội'.
Thế nhưng, chỉ còn 2 năm để đạt mục tiêu này xem ra không dễ, bởi điện ảnh Hà Nội bao năm qua dù cố gắng nhiều vẫn chưa khởi sắc. Hệ thống rạp do Hà Nội quản lý như Bạch Mai, Kim Đồng… hoạt động cầm chừng vì vắng khán giả. Phim về Hà Nội dịp Đại lễ nghìn năm như “Thái sư Trần Thủ Độ”, “Đường tới thành Thăng Long”… nếu không "đắp chiếu", thì cũng ít người quan tâm. Theo đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: “Hà Nội có những thế mạnh riêng về đề tài, nhưng để cuốn hút người xem, cần đổi mới tư duy điện ảnh, tiếp cận công nghệ thời 4.0. Không thể khai thác theo một lối mòn là đã là phim về Hà Nội phải là phim cổ trang”.

Ngoài ra, trong Kế hoạch 173, các lĩnh vực khác của văn hóa cũng đặt mục tiêu như phấn đấu mỗi năm dàn dựng và biểu diễn từ 15 đến 20 vở mới/năm cho các loại hình chèo, cải lương, kịch nói và các loại hình nghệ thuật đương đại. Đối với nghệ thuật chuyên nghiệp phấn đấu mỗi năm có từ 3.500 đến 4.000 buổi biểu diễn. TP cũng sẽ tập trung phát triển một số ngành có sẵn lợi thế, tiềm năng gồm: Điện ảnh, biểu diễn, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, thời trang, du lịch văn hóa, tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử. Định hướng và từng bước phát triển các ngành: Kiến trúc, thiết kế, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế, xã hội.

Đẩy mạnh xã hội hóa văn hóa

Thời gian gần đây, những sản phẩm văn hóa đặc sắc của Hà Nội mang nhiều dấu ấn của các đơn vị tư nhân, chứ không chỉ tập trung vào nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Lễ hội âm nhạc Gió mùa tại Hoàng thành Thăng Long trở thành thương hiệu âm nhạc, được hình thành từ ý tưởng của Công ty Thanh Việt, trong đó chủ trì là nhạc sĩ Quốc Trung. Ngoài ra, Vietnam Airlines, VPbanks… cũng đã tạo dấu ấn trong các dự án văn hóa cộng đồng như hòa nhạc Vietnam Airlines Classic – Hanoi Concert 2017, lễ hội bơi chải Hồ Tây 2018… Riêng lĩnh vực trang trí chiếu sáng, trang trí đường phố… là 100% nguồn vốn xã hội hóa.

Trong thời gian tới, các lĩnh vực văn học nghệ thuật cũng quan tâm kêu gọi nguồn đầu tư xã hội hóa. “Nhiệm kỳ mới, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội cũng đề xuất với TP không đầu tư kiểu cào bằng cho tất cả các dự án, mà chú trọng vào những sáng tác có chất lượng cao về Hà Nội. Để có thể nhận được nguồn vốn đầu tư “vượt khung”, bắt buộc phải huy động nguồn vốn xã hội hóa văn hóa” – NSND Trần Quốc Chiêm – Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội chia sẻ.

Có thể thấy, cùng với lợi ích kinh tế, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, còn là cách xây dựng và quảng bá hình ảnh Thủ đô nói riêng, Việt Nam nói chung một cách hiệu quả. Các giải pháp như hoàn thiện cơ chế chính sách, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức, mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế… vẫn sẽ “nằm trên giấy” nếu không có những hành động quyết liệt, cụ thể, cùng sự phối hợp của chính quyền TP với cộng đồng dân cư.