Cần thiết nâng vai trò của đại học tư thục
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Phạm Tất Thắng, những năm gần đây, các trường đại học tư thục có sự tăng nhanh về số lượng và có những đóng góp nhất định cho giáo dục đại học nước nhà. Tuy nhiên, qua khảo sát, hoạt động của các cơ sở đại học ngoài công lập còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.Thống kê cho thấy, hiện có 65 trường đại học ngoài công lập, chiếm 28% hệ thống cơ sở giáo dục đào tạo. Nhìn nhận một cách khách quan, thực tế hiện nay, các trường đại học tư thục cũng bộc lộ một số khiếm khuyết như: Chất lượng chưa cao, quy mô nhỏ, thu nhập dựa vào học phí, coi trọng lợi nhuận, chưa tập trung cho nghiên cứu khoa học... Có những trường không có chiến lược phát triển lâu dài, không kịp chuyển mình nên đã dần giảm sút về chất lượng đào tạo.Khẳng định sự cần thiết nâng cao vai trò của đại học tư thục trong nền giáo dục đại học nước nhà, nhiều ý kiến cho rằng, việc mở rộng các trường đại học tư thục không chỉ giảm áp lực về chi ngân sách của Nhà nước, mà còn góp phần đa dạng hóa hệ thống giáo dục, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Việc ban hành chính sách đáp ứng yêu cầu thực tế cũng như kỳ vọng của các trường là một vấn đề được đặt ra.
Theo các chuyên gia, trước tiên, quy định của luật cần làm rõ các khái niệm trường đại học công lập, tư thục, không vì lợi nhuận cũng như xác định vai trò, cơ chế… một cách cụ thể. Đặc biệt, cần thể chế hóa quan điểm xác định tính bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục đại học công lập và ngoài công lập.Rõ loại hình trườngĐể phát triển các trường đại học tư thục một cách vững chắc, các chuyên gia cho rằng, trong các trường đại học tư thục cần phân biệt hai loại: Trường tư phi lợi nhuận hay chính xác là trường tư phi vụ lợi và các trường tư khác, từ đó có chính sách thích hợp cho từng loại hình trường. Theo một số ý kiến đến từ chính các trường đại học, đối với loại hình trường đại học tư thục (vì lợi nhuận), cần hạn chế tối đa việc vận dụng mô hình quản lý công ty cổ phần vào việc quản lý trường đại học tư thục với quá nhiều ưu tiên cho nhà đầu tư, thường dẫn đến tiêu cực.
Với loại hình trường đại học tư thục không vì lợi nhuận, để ghi nhận công lao xây dựng trường của các thành viên góp vốn, ngoài việc được nhà trường và cộng đồng xã hội vinh danh, họ nên được hưởng các quyền lợi như: Được cử đại diện vào Hội đồng quản trị (HĐQT), được ứng cử vào các chức danh quản lý trong trường, được định đoạt phần góp vốn của mình… Về nội dung liên quan đến HĐQT quy định trong Dự Luật, các chuyên gia cũng chỉ rõ, dù là đại học công lập hay tư thục cũng nên gọi một cách nhất quán hội đồng này là HĐQT tổ hợp đại học, HĐQT học viện, HĐQT trường… Dù cách tổ chức và thành phần có thể khác nhau, nhưng vị trí đều giống nhau, đều là cơ quan quyền lực cao nhất của cơ sở giáo dục đại học.Đồng thời, các quy định của Dự Luật cũng nên làm rõ việc chuyển đổi các trường đại học dân lập sang loại hình tư thục; việc mở rộng quy mô hệ thống các trường đại học tư thục và chính sách của Nhà nước để phát triển đại học tư thục…