Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển điện khí thiên nhiên hoá lỏng còn nhiều khó khăn

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc đưa vào sử dụng và phát triển điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tại Việt Nam đã và đang còn nhiều cơ hội cho ngành năng lượng Việt Nam. Song thực tế còn nhiều khó khăn, trở ngại để đưa vào hiện thực.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Khắc Kiên
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Khắc Kiên

Ngày 24/1, Tạp chí Năng lượng sạch Việt Nam tổ chức “Hội thảo phát triển điện khí ở Việt Nam: Cơ hội và Thách thức”.

Còn nhiều khó khăn

TS Mai Duy Thiện – Tổng Biên tập Tạp chí Năng lượng sạch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cho biết, thời gian qua, những biến đổi khí hậu ảnh hưởng rõ nét tới môi trường sống trên trái đất, nguồn phát thải ô nhiễm đã được chú ý giảm thiểu, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch truyền thống (than đá, dầu thô) ngày một hạn chế.

“Việc đưa vào sử dụng và phát triển LNG tại Việt Nam đã và đang còn nhiều cơ hội cho ngành năng lượng Việt Nam. Song thực tế còn nhiều khó khăn, trở ngại để đưa vấn đề này trở thành hiện thực. Chính phủ và các cơ quan chức năng đã nhận thức rõ tầm quan trọng của LNG trong bối cảnh phát triển năng lượng gắn liền với bảo vệ môi trường” - ông Thiện nói.

Nhìn nhận thực trạng sản xuất điện khí LNG tại Việt Nam, theo Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương Vũ Quang Hùng, hiện có 15 nhà máy điện sử dụng khí với tổng công suất khoảng 8.000MW, chiếm khoảng 10% tổng sản lượng điện quốc gia.

Công nhân PV Power trên công trường Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 (Đồng Nai). Ảnh: Khắc Kiên
Công nhân PV Power trên công trường Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 (Đồng Nai). Ảnh: Khắc Kiên

Do nhu cầu sử dụng khí tăng cao, khả năng khai thác có xu hướng giảm. Không đủ nguồn cung phải chuyển đổi từ sử dụng khí sang sử dụng LNG: Tổng nguồn điện khí hiện có sẽ chuyển đổi sang sử dụng LNG trong giai đoạn 2024 - 2030 là khoảng 4.380MW, sau 2030 là 2.700MW.  Việc chuyển đổi sang sử dụng LNG sẽ tăng kinh phí đầu tư và gián đoạn đến sản xuất một giai đoạn nhất định.

Khó khăn trong nhập khẩu LNG chủ yếu từ Australia, Quata, Mỹ cũng là trở ngại. Trong dài hạn cần xem xét nhập khẩu thêm từ Nga và các nước Trung Đông. Cùng với đó, hạ tầng nhập khẩu LPG với quy mô lớn chưa sẵn sàng, tính chủ động trong sản xuất chưa thực sự bền vững, chưa sẵn sàng với thị trường nhập khẩu khí LNG với quy mô lớn.

Đồng quan điểm, TS Vũ Đình Ánh – chuyên gia kinh tế cho rằng, đến nay, Việt Nam vẫn chưa có cơ chế hay quy định cụ thể cho việc phát triển điện khí LNG, cũng như chưa có quy định hay tiêu chuẩn trong việc xây dựng kho cảng và nhập khẩu khí LNG. Đặc biệt, thách thức lớn nhất hiện nay của nhà máy điện khí LNG vẫn là giá thành cao hơn rất nhiều so với giá bán lẻ điện mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bán ra cho nền kinh tế.

Kiến giải để phát triển

Từ những phân tích, chia sẻ, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần sớm phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII để triển khai các khâu nguồn - lưới đồng bộ. Ông Vũ Quang Hùng đưa ra một số giải pháp, duy trì ổn định khai thác khí nhằm nguồn cung cấp khí ổn định đồng thời nâng cao năng lực khai thác nhằm đảm bảo cung cấp cho các nhà máy điện khí đang hoạt động.

Đường ống dẫn khí tại Kho cảng LNG Thị Vải của PV GAS. Ảnh: Khắc Kiên
Đường ống dẫn khí tại Kho cảng LNG Thị Vải của PV GAS. Ảnh: Khắc Kiên

Mở rộng các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ để cung cấp thêm trữ lượng và sản lượng khai thác ở các khu vực tiềm năng, sâu và xa bờ nhằm đáp ứng kế hoạch phát triển công nghiệp khí giai đoạn tới. Xây dựng chiến lược, kế hoạch cụ thể cho vấn đề nhập khẩu LNG để có thể hình thành thị trường LNG; tập trung ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu LNG.

Ông Vũ Quang Hùng cũng đề xuất, hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến giá và cơ chế giá bởi cơ chế bán khí cho các khách hàng chưa hoàn toàn thị trường (ngoại trừ khí bán cho các hộ công nghiệp). Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, các quy định để hỗ trợ cho phát triển nhiệt điện khí, đảm bảo phát triển điện khí phù hợp với tình hình hệ thống điện; Hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế quản lý vận hành chuỗi khí - điện nhằm thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư điện LNG theo hình thức đầu tư (IPP) quy mô lớn…

TS Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế cho rằng, muốn phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch điện VIII phải giải quyết một số vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng và cơ chế chính sách. Trong đó, cần quy hoạch đồng bộ, tập trung các dự án kho cảng nhập khẩu LNG để tiết kiệm nguồn lực xã hội, phát triển kinh tế và từ đó thúc đẩy thị trường LNG trong nước phát triển. Về mặt cơ chế chính sách cần phải rõ ràng, khả thi, thực tế, bảo đảm quản lý và quy định hiệu quả, xây dựng hệ thống phân phối và tiếp cận thị trường và thúc đẩy hợp tác quốc tế...