Phát triển đô thị bền vững: Phải có tầm nhìn dài hạn

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh phát triển đô thị là quy luật khách quan mang tính thời đại và toàn cầu, các đô thị đóng vai trò làm động lực tăng trưởng kinh tế nhưng bên cạnh đó vẫn còn những yếu tố chưa bền vững, thiếu nguồn lực đầu tư.

Vì vậy, phát triển đô thị trong giai đoạn hiện nay rất cần sự đổi mới về cơ chế, chính sách.

Đây cũng là một trong những nội dung được các chuyên gia, nhà quản lý và DN đặc biệt quan tâm, thảo luận trong chuỗi các sự kiện hội thảo chuyên đề hướng tới Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022, do Bộ Xây dựng phối hợp với Ban Kinh tế T.Ư tổ chức tại Hà Nội chiều 16/11. Sự kiện nhằm tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung của Nghị quyết số 06-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cần có tầm nhìn xa để phát triển đô thị tăng trưởng xanh nhiều công trình xanh trong tương lai. Ảnh Nguyễn Thành
Cần có tầm nhìn xa để phát triển đô thị tăng trưởng xanh nhiều công trình xanh trong tương lai. Ảnh Nguyễn Thành

Nhiều thách thức

Dưới tác động của chính sách đổi mới, Việt Nam đạt tỷ lệ tăng trưởng kinh tế xấp xỉ 7%/năm trong vòng 3 thập kỷ vừa qua. Cùng với tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa cũng đang diễn ra nhanh chóng với mức tăng trung bình khoảng 0,53% mỗi năm và đạt tỷ lệ 41% năm 2022. Tốc độ phát triển nhanh như vậy, dự báo đến cuối những năm 2030 khoảng 50% dân số Việt Nam sẽ sống ở thành thị.

Tính đến nay, cả nước có 888 đô thị các loại, chiếm khoảng 41,5% tổng quy mô dân số. Quá trình phát triển đô thị đã có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng sống cho người dân, kinh tế đô thị đóng góp khoảng 70% GDP của cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó một loạt vấn đề cũng xuất hiện thông qua quá trình đô thị hóa nhanh chóng như chênh lệch thu nhập ngày càng tăng giữa nông thôn và đô thị, tình trạng phát triển phi chính thức, thiếu cơ sở hạ tầng - dịch vụ cơ bản, thiếu nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của người dân... Ngoài ra còn những vấn đề khác như suy thoái môi trường, ách tắc, tai nạn giao thông, mất an toàn, an ninh ở nhiều khu vực đô thị...

“Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu, do những đặc điểm vị trí địa lý, ghi nhận mức độ dễ bị tổn thương tăng với nhiều đợt khô hạn, ngập lụt và tình trạng giật lùi của đường bờ biển. Cùng với đó là vấn đề liên quan đến quy hoạch xanh, giảm phát thải khí nhà kính, carbon thấp, tăng trưởng xanh, công trình xanh, tiết kiệm năng lượng, cải thiện khả năng chống chịu, phục hồi của các đô thị trước biến đổi khí hậu... cũng đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam” – Giám đốc quốc gia Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam (AFD) Herve Conan cho hay.

Còn theo Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Trần Quốc Thái, để đáp ứng với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh và quá trình quản lý, phát triển đô thị, Nhà nước đã thực hiện việc phân loại đô thị theo đúng bản chất, thông lệ quốc tế; phù hợp với thực tiễn phát triển, đặc điểm vùng, miền, vị trí địa lý cũng như đặc trưng văn hóa xã hội. Nhưng thực tế các đô thị còn nhiều yếu tố thiếu bền vững, hạ tầng chưa theo kịp với tốc độ đô thị hóa, thiếu các nguồn lực xã hội hóa, đặc biệt hệ thống cơ chế, chính sách cho phát triển đô thị vẫn chưa được hoàn thiện.

“Những quy định hiện hành phục vụ phát triển đô thị như: Phân loại đô thị - nông thôn, yếu tố vùng miền, đặc thù, loại hình đô thị; Chương trình phát triển gắn với tính khả thi, đồng bộ, nguồn lực thực hiện; khu vực phát triển gắn với việc lồng ghép các cấp độ quy hoạch; hạ tầng kỹ thuật đô thị liên quan đến điều chỉnh tổng thể, quy định quy mô, hình thức đầu tư, quản lý... chưa đáp ứng được với thực tế và chưa rõ, đúng, đủ” - ông Trần Quốc Thái nhìn nhận.

Cần sớm hoàn thiện thể chế, chính sách

Cũng theo Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Trần Quốc Thái, để thích ứng với những thách thức trong quá trình phát triển đô thị, cần phải có hệ thống thể chế chính sách hoàn chỉnh. Bên cạnh một số vấn đề chưa được quy định, việc điều chỉnh khái niệm đô thị, đối tượng, phạm vi phân loại, phương pháp - nguyên tắc phân loại đô thị hay mối liên hệ với đơn vị hành chính... cần phải nghiên cứu, ban hành một số cơ chế, chính sách mới.

Các chuyên gia, nhà quản lý đều chung quan điểm rằng, quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững không tự diễn ra mà là do hoạch định, thực hiện chính sách. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách, hành động mạnh mẽ với sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan. Đây là điều cần thiết nhằm thúc đẩy, định hướng cho quá trình đô thị hóa vì lợi ích của tất cả người dân. Thông qua chính sách đô thị, Chính phủ có cơ sở để tạo điều kiện tích cực cho sự phát triển của các TP. Chính sách đô thị hiện nay cũng đòi hỏi một cách tiếp cận tích hợp, đa chiều vượt ra ngoài cách tiếp cận hạn chế đối với quy hoạch vật thể mà trước đây được coi là đầy đủ trong việc xác định các khu vực chính sách đô thị.

Bên cạnh đó, chính sách đô thị quốc gia phải tập trung vào những ưu tiên thiết thực như thiết kế, áp dụng mô hình đô thị bền vững cả về hình thái lẫn mật độ qua mô hình đô thị nén; kết nối đô thị qua hành lang giao thông, thúc đẩy sản xuất tập trung để tận dụng lợi ích quy mô kinh tế, hạn chế mở rộng đô thị vào vùng nông thôn. Cùng với đó, thúc đẩy giao thông công cộng, khai thác sử dụng đất gắn với giao thông (TOD) và cải tạo không gian xanh…

“Thông qua việc xây dựng tầm nhìn và mục tiêu phát triển chung, chính sách đô thị hỗ trợ gắn kết chính sách liên ngành liên quan đến đô thị, thiết lập tiêu chuẩn về các dịch vụ cơ bản, thúc đẩy việc cung cấp dịch vụ đô thị hiệu quả, hợp lý. Chính vì vậy, chính sách đô thị phải là cấu phần quan trọng trong chiến lược, quy hoạch phát triển quốc gia. Qua đó, tăng cường xây dựng thể chế đô thị, thúc đẩy vai trò lãnh đạo và tính sáng tạo cũng như xây dựng năng lực, đối thoại, triển khai chính sách với các bên liên quan trong quá trình phát triển” – nguyên Giám đốc UN-Habitat Việt Nam, Nguyễn Quang phân tích.

 

Đô thị hóa là một nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Để phát triển thành một quốc gia công nghiệp có thu nhập cao như Đại hội Đảng XIII đã xác định, chúng ta cần kinh phí vượt trội để thực hiện. Kinh phí lấy từ vốn hóa đất đai, như cơ chế Nhà nước thu thuế bất động sản và thu từ giá trị tăng thêm của đất do phát triển đô thị mang lại; cơ chế chuyển dịch đất đai cần chuyển hẳn sang cơ chế góp/tái điều chỉnh đất đối với mọi dự án đầu tư sinh lợi và tất cả dự án chỉnh trang, phát triển đô thị... là đúng quy luật kinh tế, phù hợp với kinh nghiệm của các nước đã hoàn thành công nghiệp hóa.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ

Những cơ chế, chính sách mới cần phải nghiên cứu, ban hành gồm: Thẩm quyền phân loại đô thị; quản lý, giám sát đầu tư xây dựng sau phân loại; quy định quản lý phát triển hệ thống đô thị theo vùng miền và kiểm soát hình thành mới điểm dân cư; chương trình phát triển đô thị tổng thể quốc gia, đô thị tỉnh và từng đô thị. Ngoài ra quy định khuyến khích phát triển đô thị ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải; tăng trưởng xanh, đô thị thông minh...

Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Trần Quốc Thái

Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị hiện nay còn nhiều bất cập. Phát triển đô thị còn dàn trải, gây lãng phí về đất đai. Hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị. Các mô hình đô thị phát triển bền vững, văn minh, hiện đại còn chưa nhiều. Việc chỉnh trang, cải tạo các đô thị trung tâm, đô thị cũ, các khu chung cư xuống cấp còn bất cập về cơ chế, chính sách và lúng túng trong tổ chức thực hiện. Tư duy khai thác đô thị mới chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt, thiếu tầm nhìn về đầu tư dài hạn.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, KTS Trần Ngọc Chính

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần