Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển đô thị và nông thôn đảm bảo tính bền vững

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 có vai trò, ý nghĩa quan trọng nhằm xây dựng đường lối cho quá trình phát triển đô thị và nông thôn đảm bảo tính ổn định, bền vững trên cơ sở tổ chức không gian phù hợp...

Hình thành tổng thể hệ thống đô thị và nông thôn

Thực hiện Luật Quy hoạch năm 2017, các cấp ngành, địa phương đang khẩn trương hoàn thành các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh. Trong đó, Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch) đang được Bộ Xây dựng tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, đại diện một số bộ, ngành, địa phương và tổ chức quốc tế… về một số nội dung thẩm định đối với dự thảo Quy hoạch.

Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ Xây dựng tổ chức lập là một trong 39 Quy hoạch ngành quốc gia theo quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017.

Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050  đang được khẩn trương hoàn thiện.
Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050  đang được khẩn trương hoàn thiện.

Trên cơ sở Nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 294/QĐ-TTg ngày 24/2/2020, Bộ Xây dựng đã giao Cục Phát triển đô thị là cơ quan lập quy hoạch; Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia được lựa chọn là tổ chức tư vấn lập quy hoạch.

Trong quá trình xây dựng dự thảo Quy hoạch, Bộ Xây dựng đã lấy ý kiến góp ý của các địa phương, bộ, ngành, hội, hiệp hội và các chuyên gia vào tháng 12/2022 và tháng 4/2023. Cơ quan lập quy hoạch và tổ chức tư vấn đã tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo Quy hoạch, Bộ Xây dựng đã trình Hội đồng thẩm định tại Tờ trình số 33/TTr-BXD ngày 26/7/2023 về việc thẩm định Quy hoạch.

Ngày 14/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 390/QĐ-TTg thành lập Hội đồng thẩm định; Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Kế hoạch thẩm định Quy hoạch.

Hiện Bộ Xây dựng và các cơ quan có liên quan đang tham vấn ý kiến thẩm định Quy hoạch để báo cáo Chủ tịch Hội đồng thẩm định xem xét trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch.

Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng) Trần Thu Hằng cho biết, Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò, ý nghĩa quan trọng nhằm xây dựng đường lối cho quá trình phát triển đô thị và nông thôn đảm bảo tính ổn định, bền vững trên cơ sở tổ chức không gian phù hợp; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, nguồn nước, đất đai hợp lý và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Quy hoạch được phê duyệt sẽ là một trong các công cụ quản lý quan trọng của ngành Xây dựng; hướng tới hình thành tổng thể hệ thống đô thị và nông thôn trên toàn quốc phát triển có trọng tâm, trọng điểm; có mối quan hệ hữu cơ, tạo ra sự phát triển cân đối giữa các vùng; phát huy vai trò của các vùng đô thị lớn, đô thị lớn, trục hành lang kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm, hình thành những cực tăng trưởng quốc gia có tính cạnh tranh quốc tế.

Đồng thời tăng cường mối liên kết đô thị - nông thôn, nâng cao chất lượng sống của người dân đô thị và nông thôn, bao tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ quốc phòng an ninh phù hợp từng giai đoạn phát triển chung của đất nước.

Cần làm rõ quá trình đô thị hóa

Cho ý kiến đánh giá và hoàn thiện nội duy Quy hoạch, Nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Ths. KTS Lã Thị Kim Ngân nhận xét, Quy hoạch đã đảm bảo đủ các yêu cầu để trình thẩm định, trong đó cơ bản đề cập các nội dung yêu cầu trong nhiệm vụ, quy hoạch cấp trên, cơ sở pháp lý… Tuy nhiên, vị chuyên gia đề nghị đơn vị thực hiện giới hạn mức độ nghiên cứu; chỉ ra các nội dung được kế thừa, được phê duyệt quy hoạch; cấu trúc nội dung cần có sự tương đồng với quy hoạch dân cư nông thôn; bổ sung các nội dung về đô thị; bổ sung nhận định về hình thái tổ chức khu dân cư nông thôn; xem xét định hướng sử dụng đất, phải có qũy đất cho đô thị hóa, dành quỹ đất để phát triển.

Còn theo ý kiến của PGS.TS Vũ Thị Vinh - nguyên Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam cho rằng, để nội dung Quy hoạch thêm hoàn thiện, những đơn vị thực hiện cần có đánh giá bất cập trong phân loại đô thị; lưu ý nội dung về hạ tầng khung giao thông quốc gia, hạ tầng kỹ thuật thoát nước; có đánh giá hiện trạng cấp nước, bổ sung hạ tầng cấp nước cho nông thôn; xem xét về năng lượng, đánh giá hiện trạng. Đồng thời cần bổ sung thêm về các liên kết, đặc biệt là liên kết tăng trưởng kinh tế; bổ sung chiếu sáng nông thôn; xem xét thêm về giao thông xanh, hạ tầng công trình ngầm.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam KTS Trần Ngọc Chính nhận định, trong Quy hoạch cần phải làm rõ quá trình đô thị hóa; cần tách khái niệm đô thị và nông thôn để làm rõ; xem xét hệ thống bản đồ trong nội dung quy hoạch, đặc biệt là địa lý, hành chính, hệ thống giao thông, các đô thị quan trọng.

Ngoài ra, nhiều ý kiến chuyên chuyên gia, đại diện bộ, ngành góp ý, đơn vị thực hiện lập Quy hoạch cần phải lưu ý về việc đảm bảo sự thống nhất về các cấp độ quy hoạch; lưu ý về phân loại đô thị, quy định nên có số liệu phù hợp để các địa phương dễ áp dụng; nên tổng hợp theo 6 vùng để nhìn nhận mức độ phát triển của hạ tầng; đánh giá kỹ hạ tầng; xem xét lại định hướng về hạ tầng, không gian ngầm; lưu ý về cơ sở dữ liệu quy hoạch; cần có sự kết nối giữa các quy hoạch; gắn kết với 6 vùng liên kết kinh tế, tăng tính khả thi với các quy hoạch, có kết nối đồng bộ.

Về định hướng phát triển nông thôn, nên cụ thể hóa các vùng, đưa ra định hướng, mô hình phát triển nông thôn phù hợp với từng vùng miền…