Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội sẽ xây dựng thêm 5 khu đô thị vệ tinh, với mục tiêu phát triển là các khu đô thị thông minh, đô thị xanh. Cũng theo đồ án, mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô sẽ xây dựng mới thêm khoảng 20 công viên cây xanh, trong đó có 5 công viên cây xanh đạt tiêu chuẩn quốc tế. "Nhìn nhận một cách khách quan, công tác phát triển cây xanh của Hà Nội cũng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong thời gian qua, có quá nhiều các tòa nhà chung cư, các khu đô thị mới được mọc lên, cùng với đó là dân số Thủ đô cũng tăng đột biến, khiến cho tỷ lệ diện tích cây xanh theo bình quân đầu người không tăng. Nhưng thực tế, diện tích cây xanh so với đầu thập niên 90 khoảng 2,5m2/người thì đến nay đạt khoảng trên 4m2/người. " - TS. KS Hoàng Văn Dũng - Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam "Mục tiêu của Đồ án quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 thể hiện vị thế của Hà Nội trong quá trình hội nhập quốc tế, hướng tới đạt được các tiêu chí: Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại. Theo đó, Hà Nội trong tương lai sẽ giữ được màu xanh thực sự với những điểm nhấn thể hiện chiều sâu của văn hóa, lịch sử và ký ức đô thị; đồng thời bắt kịp xu thế toàn cầu hóa, hội nhập với sự phát triển chung của thế giới. Đó chính là quan điểm nhất quán xuyên suốt quá trình phát triển hàng thế kỷ để thấy được tương lai của Thủ đô của các chuyên gia quy hoạch trong và ngoài nước." - KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam |
Phát triển đô thị xanh: Bám sát đồ án quy hoạch
Kinhtedothi - Hà Nội được mệnh danh là “Thành phố vườn” của thế giới từ thập niên 60 - 70 thế kỷ 20.
Liệu Hà Nội trước nguy cơ đô thị hóa phát triển chóng mặt, các mảng khối bê tông ngày càng nhân lên, có thể một ngày nào đó sẽ lấy lại được mỹ danh năm xưa? Tất cả chờ vào nỗ lực của chính quyền, cơ quan chức năng, người dân... bằng những “hành động xanh”.
Quá trình đô thị hóa đã có tác động nhiều đến cấu trúc xanh của Thủ đô, nên phần lớn các chuyên gia đều cho rằng vấn đề xây dựng đô thị xanh của Hà Nội hiện nay cần phải gắn liền với Đồ án quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Thiếu không gian xanh
Ông Bùi Văn Phong, trú tại ngõ 21 phố Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) cho biết, gia đình ông sinh sống tại khu vực này từ cách đây gần 40 năm. Từ chỗ là nơi đồng trũng nay trở thành đô thị mới, nhưng quá trình xây dựng các công trình cao tầng khiến cho khu vực này trở nên thiếu không gian xanh.
“Dọc tuyến đường Lê Văn Lương có đến hơn 40 dự án chung cư cao tầng, nằm san sát với nhau mà không có khuôn viên cây xanh, chỉ có một số ít cây xanh được trồng hai bên vỉa hè, nhưng là cây do TP trồng chứ không phải cây của dự án” - ông Phong nói.
Vấn đề thiếu cây xanh tại các dự án chung cư cao tầng, các khu đô thị mới của Hà Nội đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Hầu hết diện tích cây xanh tại các khu đô thị mới chỉ nằm trên bản vẽ quy hoạch, nhiều dự án còn tận dụng hạ tầng cây xanh công cộng có sẵn của TP để hợp thức hóa tiêu chí cây xanh của mình.
Các dự án chung cư cao tầng, khu đô thị mới hiện nay hầu hết đang được tọa lạc tại những vị trí “đất vàng” của Thủ đô, nên các chủ đầu tư đã không “ngần ngại” cắt xén những diện tích đất công cộng của công trình để thay vào đó là các công trình nhà ở nhằm tăng doanh thu, lợi nhuận, khiến cho chất lượng sống của người dân tại các khu chung cư bị ảnh hưởng.
Khảo sát của Tổ chức TP sống tốt tại Việt Nam (healthbridge) chỉ ra mục tiêu của TP Hà Nội đến năm 2020 tỷ lệ cây xanh bình quân đầu người trên địa bàn sẽ đạt 18m2/người, nhưng thực tế con số này hiện nay mới chỉ đạt trên 4m2/người. Còn tại các quận trung tâm tỷ lệ còn thấp hơn, ở mức 0,9m2/người trong khi đó mục tiêu là 7m2/người.
Theo PGS.TS Trần Văn Thụy - Trưởng bộ môn Sinh thái Môi trường (Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội), chính quyền Hà Nội đã có những biện pháp tức thời để giải quyết tình trạng thiếu cây xanh, đó là việc hoàn thành Chương trình trồng 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016 - 2018 và đang tiếp tục triển khai thêm khoảng 600.000 cây xanh giai đoạn 2019 - 2020.
“Nhưng thực tế, chính quyền chỉ đủ khả năng để mở rộng diện tích cây xanh tại các khu vực công cộng. Còn tại các dự án đó là trách nhiệm của chủ đầu tư, trong khi hạ tầng cây xanh dự án thì lại bị cắt xén. Vì vậy, cho dù TP có thực hiện thêm nhiều chương trình trồng mới cây xanh thì với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, vấn đề mục tiêu tăng diện tích cây xanh theo bình quân đầu người khó mà đạt được trong tương lai gần” - ông Thụy chia sẻ.
Cũng theo ông Thụy, xây dựng đô thị xanh, không gian sống xanh không chỉ là trách nhiệm của chính quyền, mà là trách nhiệm của cả cộng đồng; các DN bất động sản, chủ đầu tư các dự án cần phải ý thức được vai trò của không gian xanh đối với cuộc sống con người, không nên vì chạy theo lợi nhuận mà làm ảnh hưởng đến phát triển bền vững, các thế hệ tương lai.Thống nhất trong thực hiện
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, KTS Trần Ngọc Chính cho biết, ngay từ khi chưa mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội đã có hệ thống sông, hồ, công viên, khuôn viên cây xanh khá dày với 7 con sông lớn chảy qua, cùng với hơn 20 hồ nước tự nhiên, là điều kiện thuận lợi cho hệ thống cây xanh phát triển.
“Đứng trước những tác động của quá trình đô thị hóa, ngay sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã xây dựng đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, trong đó tập trung vào vấn đề phát triển các đô thị vệ tinh, xây dựng TP thông minh, TP xanh. Vì vậy, trong quá trình phát triển cần phải gắn chặt với đồ án quy hoạch này” - ông Chính nói.
Cùng quan điểm, KTS Trần Huy Ánh - Hội KTS Hà Nội cho biết, Hà Nội đã có lịch sử phát triển đô thị xanh từ cách đây hàng trăm năm. Ngay từ khi người Pháp còn đô hộ họ đã chủ trương xây dựng Hà Nội trở thành một “Thành phố vườn”.
“Hà Nội những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, khi miền Bắc đang xây dựng Chủ nghĩa xã hội đã sánh ngang với những Tokyo, Seoul về mức độ xanh - sạch. Chúng ta đã có lịch sử phát triển rồi, hiện nay lại có đồ án quy hoạch, từ đồ án quy hoạch cần phải có kế hoạch để thực hiện” - ông Ánh nhìn nhận.
Cũng theo ông Ánh, việc xây dựng kế hoạch phải do các cơ quan chuyên môn riêng biệt thực hiện, vì vậy cần phải đổi mới phương thức trong cách quản lý để tránh sự chồng chéo. Ví dụ, hiện nay việc tham mưu cho công tác quản lý cây xanh của TP do Công ty Công viên cây xanh thực hiện, nhưng một số công viên lớn như: Công viên Thống Nhất, Công viên Thủ Lệ lại có cơ quan quản lý riêng, cây xanh trong công trình do các cơ quan này tự quản lý; cây xanh ngoài đô thị lại do đơn vị khác quản lý...