Phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe, thêm cơ hội hút khách quốc tế

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, bên cạnh việc khám phá thiên nhiên, du khách có xu hướng cải thiện sức khỏe, nâng cao thể chất, tinh thần khi đi du lịch. Việt Nam với hệ sinh thái phong phú, du lịch chăm sóc sức khỏe đang được coi là “mỏ vàng” thu hút du khách quốc tế.

Tiềm năng lớn

Theo Business Insider, nền kinh tế chăm sóc sức khỏe toàn cầu được dự báo sẽ đạt 6.000 tỷ USD trong năm nay. Còn Grand View Research nhận định, thị trường du lịch chăm sóc sức khỏe (Wellness tourism) toàn cầu dự kiến vượt 1.000 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng hàng năm gần 10% trong vòng 8 năm tới. 

Kết quả khảo sát của Global Wellnes Institute (Viện Sức khỏe toàn cầu thuộc Đại học Yale -Mỹ) cho thấy, có đến 76% người được hỏi muốn chi nhiều hơn cho các chuyến du lịch để cải thiện sức khỏe, 55% sẵn sàng trả thêm tiền cho các dịch vụ hoặc hoạt động trị liệu về tâm lý. Điều này cho thấy nhu cầu du lịch chăm sóc sức khỏe đã trở thành xu hướng tất yếu là “mỏ vàng” thu hút du khách quốc tế.

Du khách tham gia tour tập Yoga tại Resort Mövenpick Cam Ranh. Ảnh: Hoài Nam
Du khách tham gia tour tập Yoga tại Resort Mövenpick Cam Ranh. Ảnh: Hoài Nam

Giới chuyên gia đánh giá, Việt Nam có đủ tiềm năng để phát triển mạnh loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe, bởi sở hữu bờ biển dài hơn 3.200km cùng nhiều bãi tắm đẹp, hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ phù hợp cho du lịch nghỉ dưỡng, thể thao mặt nước, chữa bệnh. Ngành địa chất đã phát hiện khoảng 400 nguồn nước khoáng nóng, vừa có tác dụng chữa bệnh vừa có thể sản xuất nước uống đóng chai.

Đón đầu xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng. Cụ thể, khu du lịch suối khoáng nóng Mỹ Lâm (Tuyên Quang) được Tập đoàn Vinpearl đầu tư, khu du lịch suối khoáng nóng Quang Hanh (Quảng Ninh) do Tập đoàn SunGroup đầu tư, Thanh Thủy (Phú Thọ) được tập đoàn YoKo khai thác theo mô hình Onsen của Nhật Bản…

Bên cạnh đó, không ít địa phương xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với loại hình chăm sóc sức khỏe, như khu du lịch Trạm Tấu (Yên Bái), khu du lịch bản Lướt (Sơn La)...

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản cho biết, bên cạnh các tour du lịch khám phá vốn quen thuộc với nhiều du khách, các công ty du lịch bắt đầu đưa ra sản phẩm du lịch thiền- yoga. Điểm đến là những nơi thiên nhiên còn hoang sơ, không khí trong lành thích hợp cho du khách tập yoga, ngồi thiền, tận hưởng các liệu pháp spa giải tỏa căng thẳng.

Phát triển chưa xứng tầm

Việc khai thác tài nguyên để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm, kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu của khách du lịch ở Việt Nam.

Du khách sử dụng dịch vụ Massage chân và tắm thuốc người Dao khi đi du lịch tại Sappa (Lào Cai). Ảnh: Hoài Nam
Du khách sử dụng dịch vụ Massage chân và tắm thuốc người Dao khi đi du lịch tại Sappa (Lào Cai). Ảnh: Hoài Nam

Tuy nhiên, theo các chuyên gia du lịch những thành công này chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho biết, hiện các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe còn ít, chưa đa dạng, chưa có nhiều cơ sở dịch vụ đủ tầm cỡ về quy mô, chất lượng để đón khách có khả năng chi trả cao.  Bên cạnh đó, chưa khai thác tốt hệ thống cây dược liệu phong phú và nền y học cổ truyền Việt Nam để phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe

Phân tích nguyên nhân khiến loại hình du lịch này phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuân nêu rõ, hiện Việt Nam chưa có những nghiên cứu đầy đủ về tiềm năng, những yếu tố cần thiết, cũng như chưa có định hướng, chính sách cụ thể để phát triển loại hình du lịch này. Đặc biệt, Bộ Y tế chưa chuẩn hóa quy trình chăm sóc sức khỏe, điều này khiến phần lớn cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chăm sóc sức khỏe chỉ ở mức đáp ứng nhu cầu cơ bản cho du khách.

Du khách tham gia tour tập Yoga tại Resort Mövenpick Cam Ranh. Ảnh: Hoài Nam
Du khách tham gia tour tập Yoga tại Resort Mövenpick Cam Ranh. Ảnh: Hoài Nam

Để khai thác tối đa tiềm năng của du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, Cục Du lịch Quốc gia cần phối hợp với Bộ Y tế xây dựng bộ tiêu chí chuẩn hóa quy trình khám, chữa bệnh tại resort, khách sạn, tránh trùng lắp với việc chữa trị của ngành y tế. Đồng thời, có chính sách khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp đầu tư, xây dựng những khu du lịch chăm sóc sức khỏe chất lượng cao phục vụ du khách trong và ngoài nước.

Giám đốc Công ty Công ty Lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái  để xuất, cần tạo cơ chế hợp tác hiệu quả giữa các cơ sở khám, chữa bệnh với cơ sở dịch vụ du lịch để hình thành các gói sản phẩm chăm sóc sức khỏe có giá hợp lý, bảo đảm chất lượng phục vụ khách du lịch. “Với sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe gắn với suối khoáng nóng ngoài việc khai thác triệt để các công dụng của suối khoáng nóng vào việc chữa bệnh, phục hồi, còn có thể kết hợp nhiều liệu pháp chăm sóc, làm đẹp truyền thống khác mà Việt Nam sẵn có như tắm thuốc lá người Dao, xông hơi thảo dược trước khi tắm khoáng nóng… Sự kết hợp này sẽ tạo ra nét khác biệt của sản phẩm du lịch Việt Nam với các quốc gia trên thế giới”- ông Thái nêu ví dụ.

Như vậy muốn phát triển loại hình du lịch này đòi hỏi ngành du lịch xác định đây là loại hình trọng điểm trong quy hoạch, chiến lược phát triển. Đồng thời 2 ngành du lịch và y tế đẩy mạnh phối hợp trong việc hướng dẫn cho các cơ sở y tế cũng như doanh nghiệp du lịch các cách thức, giải pháp khi mở rộng loại hình du lịch này…