Dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Nam, sáng 26/3, Thủ tướng đặt vấn đề về việc xây dựng một trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế ở Quảng Nam và đề nghị kêu gọi đầu tư du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí... "chứ phải không chỉ có tham quan, chỉ bán vé và ngủ".
Mô hình phát triển du lịch của Thái Lan, Singapore,... có nhiều điều thú vị mà Việt Nam có thể tham khảo để làm du lịch hiệu quả hơn.
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch
Bên cạnh du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, các quốc gia châu Á đang thúc đẩy nhiều loại hình du lịch mới mẻ để thu hút du khách.
Thái Lan đã tạo ra một bước đột phá khi xúc tiến một loại hình du lịch mới, du lịch nông nghiệp, gồm các hoạt động liên quan đến nông nghiệp mà du khách có thể tham gia và khám phá như: trồng lúa, trồng hoa, rau quả và chăn nuôi. Thông thường du lịch nông nghiệp hay kết hợp với du lịch “homestay”. Du khách sống với những người nông dân và quan sát, tham gia vào các hoạt động hàng ngày của họ. Các tour du lịch nông nghiệp ở Thái Lan trải dài từ các khu vực đối núi ở miền bắc đến vườn cây ăn quả của Rayong, Chanthaburi đến những làng cá ở miền nam.
Bên cạnh đó, du lịch chữa bệnh cũng là một trong những sản phẩm mới nổi trong khu vực gần đây. Singapore, Ấn độ cùng với Thái Lan là các nước đang chiếm 90% thị trường du lịch chữa bệnh ở khu vực châu Á. Trong năm 2009 Thái Lan đã đón 2 triệu khách du lịch quốc tế đến chữa bệnh và đến năm 2012 con số này đã tăng lên 2,5 triệu lượt khách.
Trong khi đó, Philippines lại vận dụng cơ sở vật chất phù hợp để thúc đẩy phát triển thêm một số loại hình du lịch mạo hiểm và các tour du lịch mạo hiểm tuần hoàn. Đây là một phần trong kế hoạch của Philippines nhằm đưa đất nước này thành một địa danh du lịch mạo hiểm bên cạnh sự nổi tiếng của du lịch biển. Philippines là đất nước có điều kiện tự nhiên rất thích hợp cho loại hình du lịch mạo hiểm và du lịch sinh thái vì vậy việc phát triển thêm các chương trình du lịch mạo hiểm là việc làm đúng đắn. Gần đây chính quyền Philippines đã có khóa huấn luyện đặc biệt cho những hướng dẫn viên du lịch trên mặt nước trong toàn quốc để họ có thể đảm đương tốt công việc của mình. Những hoạt động này không đòi hỏi phải đầu tư nhiều về cơ sở hạ tầng mà cần tập trung vào phát triển nguồn nhân lực và đảm bảo độ an toàn cho du khách. Tại Malina một số các nhà điều hành tour du lịch chuyên bán các tour du lịch mạo hiểm và đi bè vượt thác ghềnh là TRIPS travel, Marsman-Tours & Travel và Rajah tours Philippines.
Để tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cho du khách: Thái Lan đã thuần hóa huấn luyện các động vật hung dữ như sư tử, cá sấu, rắn độc.v.v…trở nên thân thiện gần gũi với con người-những người Thái làm các công việc đó. Đồng thời đầu tư để bảo tồn xây dựng công viên về “bướm”; Singapore xây dựng công viên về “chim tự nhiên”; Malaysia phải đầu tư xây dựng những khu vui chơi giải trí sầm uất như cao nguyên “Genting”.
Quảng bá du lịch
Công tác marketing của Thái Lan bắt đầu từ những chiến dịch quảng bá du lịch với các khẩu hiệu độc đáo và sáng tạo qua từng năm. Trong đó khẩu hiệu “Amazing Thailand” được sử dụng từ năm 1998 đến nay vẫn phát huy tác dụng. Thái Lan đã sử dụng kết hợp nhiều công cụ marketing hiệu quả để quảng bá hình ảnh du lịch.
Tổng cục du lịch Thái Lan (TAT) hiện có 27 văn phòng đại diện ở nước ngoài: Châu Âu (6 văn phòng), Châu Á (18 văn phòng), Châu Mỹ (2 văn phòng), Châu Đại Dương (1 văn phòng). Việc mở nhiều văn phòng đại diện tại nước ngoài là một công cụ hữu hiệu giúp xúc tiến du lịch Thái Lan tại các nước sở tại.Các cuộc phỏng vấn chuyên nghiệp đối với khách du lịch được thực hiện và đăng tải trên mạng. Rất nhiều văn phòng đại diện của TAT ở nước ngoài hiện nay có trang web riêng. Thái Lan còn mời các nhân vật nổi tiếng đến thăm Thái Lan và tranh thủ quảng bá trên các phương tiện truyền thông khi sự kiện này xảy ra. TAT cũng khuyến khích quảng bá truyền miệng của những khách du lịch có thiện chí và của những người Thái Lan sinh sống ở nước ngoài để giới thiệu Thái Lan cho bạn bè.
Chiến lược du lịch từng giai đoạn
Là một đảo quốc nghèo tài nguyên thiên nhiên, Singapore đã duy trì chiến lược và các kế hoạch phát triển du lịch phù hợp cho từng giai đoạn. Từ năm 1965 đến nay, Singapore đã hoạch định chiến lược, xây dựng 6 kế hoạch phát triển du lịch khác nhau, đó là: “Kế hoạch Du lịch Singapore” (năm 1968), “Kế hoạch Phát triển du lịch” (năm 1986), “Kế hoạch Phát triển chiến lược” (năm 1993), “Du lịch 21” (năm 1996), “Du lịch 2015” (năm 2005), “Địa giới du lịch 2020” (năm 2012).
Với “Kế hoạch phát triển du lịch” (năm 1986), Singapore chủ trương bảo tồn và khôi phục các khu lịch sử văn hóa như: Khu phố của người Hoa, Tanjong Tagar, Little India, Kampong Glam, sông Singapore. Với “Kế hoạch Phát triển chiến lược” (năm 1993), Singgapore tập trung phát triển các sản phẩm du lịch mới như: du thuyền, du lịch chữa bệnh, du lịch giáo dục, du lịch trăng mật; phát triển các thị trường du lịch mới; tổ chức các lễ hội lớn mang tầm cỡ quốc tế; tập trung phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch; trao các giải thưởng về du lịch; giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về du lịch…
Năm 1996, Singapore triển khai “Du lịch 21”, chuẩn bị và thực hiện tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển của du lịch trong Thế kỷ 21, với các chiến lược thị trường du lịch mới nổi, chiến lược du lịch khu vực, chiến lược phát triển sản phẩm du lịch mới, chiến lược nguồn vốn du lịch, chiến lược “Nhà vô địch du lịch Singapore”.Năm 2012, Singgapore chi 300 triệu đô Sing để tổ chức các sự kiện du lịch, chi 340 triệu đô Sing phát triển các sản phẩm du lịch, chi 265 triệu đô Sing phát triển nguồn nhân lực du lịch.