Bỏ ngỏ loại hình du lịch mua sắm
Những ngày qua trên mạng xã hội “nóng” lên câu chuyện về anh Arnaud Zein El Din, kiến trúc sư người Mexico mang 1 con ngựa giấy mua ở phố Hàng Mã ra sân bay đưa về nước làm quà lưu niệm. Câu chuyện này đã đặt ra những vấn đề về việc cần đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch mua sắm, qua đó tạo cơ hội cho du khách tiêu tiền khi đến Việt Nam, tăng doanh thu cho ngành du lịch.
Báo cáo của Hiệp hội Các thành phố du lịch thế giới (WTCF) cho thấy, hiện quy mô ngành du lịch mua sắm toàn thế giới đạt 61 tỷ USD. Nếu nói tới du lịch mua sắm, người ta thường nhắc tới Thái Lan, Malaysia, Singapore, Hong Kong, Đài Loan với những mỹ từ “thiên đường mua sắm”. Trong khi các nước đang rầm rộ phát triển loại hình du lịch mua sắm thì tại Việt Nam loại hình này khá trầm lắng.
Thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho thấy, hiện tại trung tâm du lịch lớn nhất cả nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mới chỉ có hơn 100 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm dành cho du khách.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản cho biết, hiện du lịch Hà Nội đã có 35 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, nhưng so với số lượng 1.350 làng nghề và làng có nghề của Thủ đô, cũng như nhu cầu của du khách, thì số lượng cơ sở đạt chuẩn không đủ sức đáp ứng nhu cầu của du khách..
Thực tế cho thấy, một số làng nghề mặc dù đã phát triển cơ sở dịch vụ mua sắm đạt chuẩn nhưng lại chưa được du khách biết đến.
Chủ cơ sở kinh doanh lụa Thùy An Silk của làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) Nguyễn Thị Thúy than thở, mặc dù đã được Sở Du lịch Hà Nội cấp chứng nhận cơ sở mua sắm đạt chuẩn, nhưng địa chỉ này hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn khách quen, còn lượng khách du lịch không nhiều.
“Du khách có đến các cơ sở mua sắm đạt chuẩn tiêu tiền hay không, phụ thuộc vào hướng dẫn viên du lịch lựa chọn cơ sở mua sắm nào để đưa khách đến” - chị Thủy chia sẻ.
Ở chiều ngược lại, Tổng giám đốc Công ty du lịch AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt phàn nàn, Hà Nội dường như không có điểm mua sắm quy mô, hoạt động một cách chuyên nghiệp phục vụ du khách.
“Vấn đề cung-cầu chưa gặp nhau và sự kết nối giữa những cơ sở làm ra sản phẩm quà tặng và các doanh nghiệp du lịch hầu như chưa có” - ông Đạt thông tin.
Cần sự chung tay
Lý giải về việc số lượng cơ sở dịch vụ mua sắm được ngành du lịch công nhận đạt chuẩn ít hơn so với thực tế, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, Hà Nội có nhiều trung tâm mua sắm chất lượng cao như Aeon Mall, Lotte Mart , Big C… nhưng Luật Du lịch quy định, việc công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách là hành động tự nguyện, nên nhiều cơ sở vẫn chưa làm hồ sơ đề nghị công nhận.
Theo nhiều chuyên gia du lịch, giải pháp đưa ra để thúc đẩy loại hình du lịch là sự chung tay của các bên gồm chính quyền, doanh nghiệp du lịch và các đơn vị kinh doanh thương mại.
Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư Hành trình Phương Đông Phạm Minh Tú cho rằng, các thành phố nổi tiếng về du lịch trên thế giới như Tokyo (Nhật Bản), Singapore hay Hongkong (Trung Quốc)... đều có những trung tâm hoặc khu phố mua sắm lớn.
Vì vậy muốn để du khách tiêu tiền đòi hỏi các thành phố đa năng như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… nên đầu tư các điểm đến kết hợp thương mại phục vụ du khách.
“Phải tạo được sức hút cho những trung tâm bằng các sản phẩm đạt chuẩn chất lượng quốc gia mang thương hiệu Việt” - ông Tú nhấn mạnh.
Dưới góc độ chuyên gia, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Phạm Trung Lương nêu rõ, Việt Nam chưa có chiến lược và kế hoạch kích cầu du lịch thông qua mua sắm. Điều đó cho thấy muốn phát triển loại hình du lịch này đòi hỏi cơ quan quản lý cần xem đây là một phần của chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, cũng như chiến lược xuất khẩu hàng Việt tại chỗ thông qua du khách.
“Việt Nam cần sớm có một trung tâm mua sắm dành riêng du khách quốc tế tại các điểm du lịch hàng đầu của cả nước. Ngoài ra cần tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam như một điểm đến không chỉ hấp dẫn bởi thiên nhiên, văn hóa và con người mà còn là điểm đến du lịch mua sắm” - ông Lương hiến kế.
Để tăng giá trị cho hoạt động mua sắm, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng, nên xây dựng tour mua sắm chuyên nghiệp cho du khách trải nghiệm, khám phá. Tại Hà Nội, tour mua sắm có thể thực hiện ở khu vực phố cổ, nơi có nhiều phố nghề truyền thống của Hà Nội.
Đóng góp thêm ý kiến về việc tăng sức hấp dẫn cho loại hình du lịch mua sắm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn đề xuất, TP Hà Nội nên quy hoạch trung tâm mua sắm ngầm dưới đất, vừa không xung đột không gian vừa tăng tính kết nối cho các điểm di tích ở khu phố cổ. “Để tăng sức hấp dẫn cho du lịch Việt Nam, thời gian tới ngành công thương nên triển khai hệ thống cửa hàng miễn thuế, giảm giá (outlet)” - ông Tuấn gợi ý.
Như vậy để phát triển loại hình du lịch này đòi hỏi cơ quan quản lý tạo điều kiện cho các nhà đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, điểm mua sắm chất lượng cao kết hợp điểm du lịch. Đồng thời khuyến khích các trung tâm thương mại, cơ sở mua sắm có uy tín đăng ký trở thành điểm mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.