Phát triển du lịch Việt Nam: Yếu ngay từ tư duy quy hoạch

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -  Nhìn vào con số thống kê lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 4 tháng đầu năm...

Kinhtedothi -  Nhìn vào con số thống kê lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2015 giảm 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái, các chuyên gia trong buổi hội thảo chuyên đề “Hướng tới giai đoạn mới trong xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch” diễn ra ngày 10/6 đều tỏ ra ái ngại. Không chỉ có nỗi buồn từ thực tế, mà nhìn về tương lai quy hoạch du lịch Việt cũng thấy mờ mịt.

Làm du lịch na ná nhau

Theo ông Dương Đình Hiền – Trưởng phòng Quy hoạch, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam: “Việt Nam rất quan tâm đến phát triển du lịch. Ngay từ những năm 1996, Chính phủ đã yêu cầu lập Quy hoạch tổng thể du lịch Việt Nam. Quy hoạch xây dựng rất cụ thể. Trong quá trình lập quy hoạch, các chuyên gia đều nhấn mạnh phát triển sản phẩm theo vùng, vùng du lịch này phải khác vùng du lịch khác thì mới tạo ra sự hấp dẫn. Tuy nhiên, trong thực tế, mục đích của quy hoạch không đạt được”. Thế mới có chuyện trong quy hoạch du lịch Bắc Trung Bộ, phát triển du lịch biển nhưng văn hóa là chủ đạo, du lịch Nam Trung Bộ đặt biển là số 1. Nhưng 2 vùng du lịch này chỉ biết lấy biển là tiềm năng, còn đi du lịch Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh hay Bình Thuận đều na ná nhau, không có sản phẩm mũi nhọn.
Khách quốc tế tham quan tìm hiểu đền Ngọc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Khách quốc tế tham quan tìm hiểu đền Ngọc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
“Phần lớn khách du lịch quốc tế đến Việt Nam một lần là không muốn quay lại lần nữa, đó là điều chúng ta phải lấy làm xấu hổ” - ông Nguyễn Thanh Lâm - chuyên gia tư vấn phát triển và quản trị của Công ty VCG thừa nhận. Mục tiêu thu hút hơn chục triệu khách du lịch quốc tế mỗi năm đã không thể đạt được. Trong khi đó, các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia đã đạt đến con số hơn 100 triệu lượt khách quốc tế/năm. “Sở dĩ họ đạt được kết quả này là do có chiến lược phát triển du lịch nội địa rõ ràng, còn ở chúng ta không có được chiến lược này. Vì vậy hiện nay, 100/200 dự án phát triển du lịch ở Phan Thiết không tiến triển được, Phú Quốc cũng giậm chân tại chỗ” - ông Lâm nhấn mạnh. Chính vì quy hoạch tổng thể du lịch không được triển khai triệt để, quy hoạch du lịch của từng vùng khá “vênh” so với quy hoạch chung nên sức thu hút của du lịch Việt đối với du khách trong nước và quốc tế ngày càng giảm.

Phải thay đổi tư duy

Trước cảnh khó của du lịch, các chuyên gia đang hướng đến các giai đoạn mới trong xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, cùng góp ý cho Tổng cục Du lịch điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, PTS.TS Phạm Trung Lương – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng: “Tư duy làm quy hoạch và tính hệ thống trong hoạt động quy hoạch cần thay đổi. Các nước trên thế giới xây dựng được quy hoạch dài hơi, thực hiện lâu năm thì Việt Nam chưa đạt được điều đó”. Nhiều khi, quy hoạch mới ban hành đã phải thay đổi, đó là chưa kể theo quy định mới, tiền đầu tư cho xây dựng quy hoạch du lịch – một quy hoạch kinh tế mang tính đặc thù cao, đã bị hạn chế rất nhiều so với quy định mới của Bộ KH&ĐT. Người làm quy hoạch chưa tham khảo được số liệu của quy hoạch ngành giao thông, ngành thủy sản, ngành lâm nghiệp… nên những mục tiêu đề ra thiếu chặt chẽ.

“Bệnh” làm quy hoạch kém của Việt Nam hiện nay lại nằm ở chỗ, người xây dựng quy hoạch là các chuyên gia, người thẩm định lại là nhà quản lý. Trong khi tư duy làm du lịch của nhà quản lý “chỉ quan tâm đến cái họ có mà chưa quan tâm đến cái bên ngoài như thế nào, chưa phân tích theo hướng thị trường, xem khách hàng cần gì để hướng đến. Cái còn thiếu là một chiến lược chung hay là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt để tất cả các bên liên quan bám sát vào sợi chỉ đỏ ấy để có một mục tiêu chung, một hướng đi chung” – chuyên gia Martin L.Fontanari của Dự án EU nhận định. Có lẽ việc xây dựng quy hoạch khu du lịch Sơn Trà (Đà Nẵng) làm điểm đến hấp dẫn, đủ tiêu chuẩn quốc tế với khách nội địa và khách nước ngoài của Viện Nghiên cứu và phát triển du lịch Việt Nam cùng phối hợp với một công ty của Mỹ thực hiện sẽ là bài học điển hình để những người làm quy hoạch du lịch Việt học hỏi.

 Thế giới đã có một triết lý mới về du lịch, làm du lịch không hẳn chỉ để nghỉ dưỡng và thu tiền. Khẩu hiệu lớn về du lịch hiện nay là “Bạn hãy đi, hãy nhìn, hãy cảm nhận trước khi những điều này biến mất”. Có nghĩa là hoàn cảnh môi trường du lịch thế giới đang biến hóa không ngừng, chúng ta đã và đang bị đánh mất những vốn cơ bản mà ông cha để lại. Mục tiêu là làm sao khai thác du lịch có hiệu quả nhưng chúng ta đang gặp vấn nạn lớn về giao thông, hạ tầng, môi trường, vệ sinh, khiến khả năng khai thác bị hạn chế. Muốn khắc phục được tình trạng này, quy hoạch du lịch Việt Nam phải phân tích tổng thể và tìm ra định hướng dài lâu.