Đó là một trong những nhận định được đưa ra tại tọa đàm “Thúc đẩy vận hành và quản lý giao thông công cộng hiệu quả: Chia sẻ kinh nghiệm thành công của Thị Điển tại các nước đang phát triển” diễn ra chiều 7/5 tại Hà Nội.
Thách thức của đô thị phát triển mạnh mẽ
Tại tọa đàm, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Horberg nhận định, khi mức độ đô thị hóa ngày càng tăng và tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển, các thành phố ở Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, không chỉ riêng trong lĩnh vực giao thông, vận tải. Ông hy vọng sự chia sẻ kinh nghiệm, sự sáng tạo, chuyên môn hóa của các DN Thụy Điển trong buổi tọa đàm lần này có thể giúp tìm kiếm những giải pháp tối ưu giúp các thành phố của Việt Nam phát triển bền vững.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải Lê Đình Thọ cho biết, hiện tại, Việt Nam đang thực hiện phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ và bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam có trên 1000km đường cao tốc, hệ thống cảng hàng không, cảng biển và vận tải công cộng... đã được nâng cấp, cải thiện theo hướng an toàn, thuận lợi. Chất lượng hệ thống vận tải công cộng tại các TP được phát triển, đường sắt đô thị được hoàn thiện,đặc biệt là đưa vào vận hành tuyến xe bus nhanh (BRT) tại Hà Nội. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề liên quan tới quỹ đất, sự thiếu đồng bộ giữa giao thông và quy hoạch đô thị…
Sáu giải pháp của Hà Nội
Chia sẻ quan điểm về những thách thức này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nguyễn Doãn Toản khẳng định, nhận thức vai trò của giao thông trong phát triển đô thị bền vững, chính quyền Hà Nội đã tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng với những kết quả nhất định. Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, mạng lưới xe bus đạt 112 tuyến, tăng 64% so với 2008. TP cũng chính thức đưa vào vận hành tuyến bus BRT đầu tiên của cả nước, bước đầu phát huy hiệu quả, tạo hình ảnh giao thông công cộng văn minh. Công tác đảm bảo an ninh trật tự đồng độ, số lượng điểm ùn tắc giảm giảm hàng năm, đồng thời Hà Nội tập trung cải tạo nâng cấp trục quốc lộ hướng tâm, vành đai 1-2-3, hướng tới đưa vào hoạt động các tuyến đường sắt đô thị…
Trong thời gian tới đảm bảo phát triển bền vững, Thành phố đã và đang triển khai 6 nhóm giải pháp bao gồm, (1) đầu tư kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ (2) Tổ chức giao thông hợp lý nhằm phát huy hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, (3) Phát triển đồng bộ hệ thống vận tải, trong đó tập trung nguồn nhân lực phát triển đường sắt độ thị,(4) tăng cường ứng dụng CNTT xây dựng đô thị thông minh, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận cơ sở hạ tầng giao thông, (5)đẩy mạnh giáo dục về pháp luật, nâng cao ý thức tham gia giao thông, (6)tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trật tự an toàn giao thông.
Tại sự kiện, các công ty thụy Điển bao gồm ABB, Erisson, Volvo Buses, Axis Communications, Volvo Cars và Roxtec đã thảo luận với các bên liên quan trong lĩnh vực giao thông công cộng và phát triển đô thị để đưa ra những biện pháp giúp Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng có thể tăng lưu lượng người sử dụng giao thông công cộng, đảm bảo môi trường an toàn và tận dụng các công nghệ mới nhất.
Kinh nghiệm từ Thụy Điển
Nhấn mạnh vai trò của giao thông trong phát triển đô thị bền vững, ông Norio Saito Phó Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết, tính đến tháng 3/2018, hoạt động đầu tư của ADB vào Việt Nam chủ yếu trong hạng mục giao thông và CNTT với 52,9% tỷ trọng đầu tư tương đương 3,9 tỷ USD, trong đó có hỗ trợ cho tuyến đường sắt đô thị số 3 (Nhổn – Ga Hà Nội).
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Tổng giám đốc ABB Việt Nam Brian Hull khẳng định phát triển hệ thống giao thông hiệu quả và bền vững là một trong những trụ cột quan trọng để xây dựng đô thị thông minh. Để hỗ trợ Hà Nội trong lĩnh vực này, kế hoạch cụ thể của ABB là cung cấp những trạm biến áp điện ngầm dưới lòng đất, theo đó giảm tải các hệ thống này trên làn đường giao thông. Như vậy, các làn đường sẽ thông thoáng hơn để tăng cường diện tích sử dụng và chất lượng hạ tầng giao thông. Hiện tại, được biết một số doanh nghiệp Việt Nam đã rục rịch với kế hoạch sản xuất ô tô, xe điện “made in Vietnam” và ABB sẵn sàng để hợp tác trong việc cung cấp các hệ thống sạc điện đường phố cho các phương tiện này, theo ông Brian Hull.
Trong khi đó, ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào nêu giải pháp kết hợp giữa Công nghệ thông tin truyền thông (ICT) và Dịch vụ Giao thông Thông minh (ITS), theo đó công nghệ kỹ thuật số sẽ kết nối giữa 3 trụ cột là cơ sở hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông và người tham gia giao thông để tăng cường 4 yếu tố của giao thông đô thị là tính an toàn, bền vững, hiệu quả và linh hoạt.
Theo ông Denis Brunetti, một thành phố thông minh cần đi liền với an toàn, bền vững và hiệu quả.
Một ví dụ được đưa ra là Ericsson từng triển khai phối hợp với bộ giao thông Hà Lan để tối ưu hóa việc sử dụng đường bộ. Cụ thể, các dữ liệu giữa thiết bị đường bộ và phương tiện được chia sẻ cũng như 25% đèn giao thông được kết nối. Như vậy, các sự kiện như các vụ tai nạn, hay lũ lụt đều được báo trước cho người sử dụng thiết bị, qua đó góp phần giảm thiểu lưu lượng phương tiện tại những địa điểm có khả năng tắc nghẽn giao thông cao. Đây là một trong giải pháp khả thi để áp dụng tại Việt Nam, nơi quỹ đất bị hạn chế là một trong những nguyên nhân gây áp lực cho giao thông, theo ông Brunetti.